Thịt hết “đát” chạy đi đâu?

Nếu không bị cơ quan chức năng bắt quả tang thì phần lớn thịt quá “đát” sẽ quay lại thị trường, được phù phép tinh vi và trở thành thịt tươi trong giỏ hàng của các bà nội trợ.

Thời gian gần đây, song song với việc nhập khẩu ồ ạt các loại thịt là sự gia tăng đột biến những lô hàng cận “đát” tìm cách “tháo chạy” khỏi TP HCM.

Đổi nhãn, đưa vào chế biến

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP HCM phát hiện cơ sở Pháp Việt (ấp 3, xã Vĩnh Lộc A) do ông Nguyễn Văn Bảo (SN 1984, quê Quảng Ngãi) trữ thịt gà đông lạnh, xuất xứ Brazil, đã hết hạn sử dụng 3 tháng. Dù cơ sở chưa được cấp giấy đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng mỗi ngày, cơ sở này cho ra lò cả tấn bò viên làm từ thịt gà, sau đó cung cấp cho các quán phở, quán hủ tiếu bình dân và các xe đẩy bán bò viên, cá viên chiên ở vùng ven TP HCM, Bình Dương với giá trên dưới 50.000 đồng/kg.

Cán bộ QLTT kiểm tra hạn sử dụng của một lô thịt gà Mỹ
Cán bộ QLTT kiểm tra hạn sử dụng của một lô thịt gà Mỹ

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chủ hàng cho biết lô hàng trên mới mua trước đó 3 ngày tại một mối quen ở quận Bình Tân. Trước giờ, ông không để ý đến hạn sử dụng nên cũng không biết đã dùng bao nhiêu thịt quá “đát” để làm bò viên (?!).

Vào đầu năm 2015, Trạm Thú y quận 8 đã bắt quả tang nhân viên hộ kinh doanh N.H (đường Tạ Quang Bửu, quận 8) thay đổi bao bì, hạn sử dụng mới cho thịt gà tươi hết “đát”. Đoàn kiểm tra đã phạt cơ sở trên gần 27 triệu đồng và buộc cơ sở tiêu hủy hơn 1 tấn thịt và phụ phẩm gà hết hạn sử dụng.

Theo giới kinh doanh, mấy năm gần đây, thịt ngoại ồ ạt nhập về nên cạnh tranh trên thị trường rất quyết liệt, áp lực tiêu thụ lượng hàng lớn trong thời gian ngắn đã đẩy nhiều lô hàng vào tình trạng hết “đát”. Những lô hàng này, theo quy định, chủ hàng phải báo với cơ quan chức năng để chuyển mục đích sử dụng hoặc đem đi tiêu hủy.

Thế nhưng, theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, hầu như không có chủ hàng nào chủ động, tự giác mà chỉ khi bị kiểm tra, phát hiện mới xin hủy hàng. Còn nếu cơ quan kiểm tra không phát hiện thì họ sẽ để lẫn lộn và kinh doanh tiếp.

Đưa hàng cận “đát” qua Campuchia phù phép

Ông Thảo nói thêm việc giám sát thịt nhập khẩu cận “đát” (hạn dùng còn 15 ngày trở lại), quá “đát” trong địa bàn TP không khó vì TP có cán bộ thú y giám sát ở các kho lạnh, cơ sở chế biến, chợ, nhà hàng, quán ăn,… nên nắm được đường đi của lô hàng và nhắc nhở chủ hàng về hạn sử dụng. Do đó, dù TP HCM là nơi có tới 60 kho lạnh chuyên bảo quản sản phẩm động vật nhưng khi hàng cận “đát” thì chủ hàng tìm cách đẩy đi tỉnh - nơi mạng lưới thú y mỏng hơn.

“Trong trường hợp này, Chi cục Thú y TP HCM đều có thông báo với cơ quan đồng cấp nơi lô hàng đăng ký đến để tiếp tục giám sát nhưng các tỉnh lại phản hồi không có tiếp nhận. Lô hàng thực sự đi đâu, về đâu, thú y TP bó tay vì không có thẩm quyền ngoài địa bàn quản lý. Vừa qua, có doanh nghiệp (DN) đăng ký đem hàng cận “đát” về Tây Ninh. Lực lượng thú y tỉnh này đã tổ chức “đón lõng” thì thấy DN không đưa hàng về. Có khả năng hàng đã qua thẳng Campuchia, từ đó đổi “đát” hoặc đổi luôn bao bì để quay lại Việt Nam tiêu thụ” - ông Thảo nhận định.

Qua thực tiễn quản lý, Chi cục Thú y TP HCM ghi nhận trong 2 năm 2014 và 2015, số lô hàng cận “đát” được các chủ hàng xin xuất đi tỉnh tăng đột biến. Ngoài ra còn có tình trạng thịt đông lạnh đi đường vòng, nhập khẩu qua các cảng phía Bắc sau đó mới chuyển về TP HCM với hạn sử dụng còn rất ngắn.

Trước đây, từng có trường hợp DN nhập thịt bò đông lạnh từ Canada, Úc nhưng gặp phải làn sóng nhập khẩu bò Úc tươi sống về giết mổ tại Việt Nam với giá cạnh tranh nên không tiêu thụ được hàng. Đến khi hàng cận “đát”, DN đã làm thủ tục đưa hàng khỏi TP HCM, điểm đến trên giấy tờ là Hà Nội nhưng cuối cùng lô hàng lại quay về TP HCM và được cất giấu trong kho lạnh chứa thủy sản cho đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện và buộc tiêu hủy toàn bộ.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng thói quen tiêu dùng hàng tươi sống đã thay đổi. Bây giờ, các bà nội trợ hầu như mua thịt về để tủ lạnh dùng dần nên ưu thế của hàng tươi sống trong nước cũng mất đi. Tương lai thịt ngoại đè chết thịt nội khi hội nhập là dễ thấy. Thịt đông lạnh giá rẻ vào thẳng nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể, thậm chí được bán lẻ. Điều này góp phần tạo điều kiện cho các sản phẩm đông lạnh quá “đát” đội lốt hàng mới với giá cực rẻ có đất sống.

 

Thịt ngoại vẫn ồ ạt tràn vào

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng thịt đông lạnh nhập khẩu do Cơ quan Thú y Vùng 6 chuyển giao bảo quản, kinh doanh về các kho lạnh nằm trên địa bàn TP HCM đạt gần 65.053 tấn, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhiều nhất là thịt gà (chưa kể phụ phẩm) gần 35.000 tấn, tăng gần 28%; tiếp theo là thịt trâu bò khoảng 18.635 tấn, tăng hơn 28%; phụ phẩm trâu bò và phụ phẩm heo cũng tăng mạnh, lần lượt 78% (4.428 tấn) và 68% (3.494 tấn).

Từ ngày 1-5, Việt Nam ngưng nhập khẩu thịt gà Mỹ do dịch cúm gia cầm nhưng lượng gà Mỹ còn tồn trên thị trường vẫn rất lớn. Theo Cơ quan Thú y Vùng 6, 4 tháng đầu năm 2015, cơ quan này đã kiểm soát nhập khẩu cho 30.853 tấn thịt gà đông lạnh và phụ phẩm, trong đó nguồn gà nhập từ Mỹ chiếm tới 81,8%.

Chi cục Thú y TP HCM và các đoàn liên ngành quận, huyện đã kiểm tra, xử lý 4.415 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 2,9 tỉ đồng và tiêu hủy 90.737 sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm.

 
Theo Ngọc Ánh
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”