1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường địa ốc phục hồi song chủ tịch Nam Long chỉ ra các thách thức lớn

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chủ tịch Nam Long chỉ ra các thách thức của thị trường địa ốc như lệch pha cung cầu, thanh khoản giảm, tồn kho tăng, các khoản nợ vẫn còn, áp lực đáo hạn trái phiếu lớn và pháp lý dự án chồng chéo.

3 thách thức lớn

Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) - nói thị trường bất động sản có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn trong năm nay. Nhận định này được nêu tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Nam Long diễn ra sáng 20/4.

Ông Quang phân tích thách thức đầu tiên liên quan đến thị trường và sản phẩm. Thị trường lệch pha cung cầu tại các phân khúc bất động sản khác nhau, khủng hoảng niềm tin kéo theo vấn đề thanh khoản giảm và hàng tồn kho tăng.

Thứ 2 là thách thức về tài chính khi các khoản nợ vẫn còn, các lô trái phiếu dù được gia hạn nhưng sẽ vẫn còn dai dẳng trong năm 2024 và 2025. Thứ 3 là thách thức về pháp lý dự án khi hiện nay một số luật vẫn còn chồng chéo.

Tuy nhiên, thị trường cũng mở ra nhiều cơ hội khác nhau như nhu cầu ở thực cao, các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội phát triển. Lãi suất cho vay giảm, còn thấp hơn trước Covid-19 và cạnh tranh với nhiều quốc gia khác nên rất hấp dẫn. Đặc biệt, các luật mới liên quan bất động sản vừa được ban hành. Chính phủ rất nỗ lực trong việc kiến tạo, tháo gỡ, thúc đẩy các vướng mắc của thị trường để hướng đến phát triển bền vững.

Với các phân tích trên, ông xác định năm nay Nam Long sẽ "chỉ bán thứ thị trường cần", tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và phù hợp nhu cầu thị trường, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, xử lý hàng tồn kho, thúc đẩy doanh số. Công ty cũng tập trung "mở khóa" pháp lý các dự án trọng điểm như Izumi Park, Paragon Đại Phước (Đồng Nai), Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 (Long An).

Thị trường địa ốc phục hồi song chủ tịch Nam Long chỉ ra các thách thức lớn - 1

Thị trường bất động sản đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn (Ảnh minh họa: Nam Long).

Tập trung phát triển sản phẩm, mở rộng quỹ đất

Năm nay, Nam Long đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 506 tỷ đồng. Trong khi doanh thu gấp 2 lần thì lợi nhuận chỉ tăng 5% so với năm trước.

Công ty cho biết doanh thu năm nay sẽ chủ yếu đến từ ghi nhận doanh thu bàn giao từ các dự án trọng điểm gồm Akari, Cần Thơ, Ehome S Cần Thơ, EhomeS MR1, Izumi, Southgate; cung cấp dịch vụ quản lý dự án và bán hàng cho các công ty liên doanh liên kết; bán tài sản thương mại tại các dự án. Công ty ước tính doanh số bán hàng đạt khoảng 9.554 tỷ đồng.

Lãnh đạo công ty giải thích thông thường, lợi nhuận công ty sẽ đến từ 3 yếu tố gồm doanh thu bàn giao từ các dự án hợp nhất, từ dự án không hợp nhất (Mizuki Park) và từ bán vốn. Năm 2023, doanh thu từ các dự án hợp nhất không như mong đợi nhưng doanh thu từ dự án Mizuki Park lại khả quan. Dù vậy, doanh thu từ dự án Mizuki Park lại không được ghi nhận vào doanh thu thuần của Nam Long.

Sang năm 2024, lợi nhuận sẽ chủ yếu đến từ bàn giao dự án hợp nhất nên doanh thu sẽ tăng đột biến. Nếu so sánh, tổng doanh thu năm nay sẽ vẫn ngang với năm 2023 nên lợi nhuận sẽ không tăng trưởng quá nhiều.

Chủ tịch Nam Long xác định giai đoạn trước mắt, công ty sẽ mở rộng phát triển trong nước, tập trung ở TPHCM, Đồng Nai. Dù vậy, công ty cũng đã có văn phòng ở Hà Nội, Hải Phòng và đang phát triển dự án ở Cần Thơ, Long An, Đồng Nai. Nam Long dự kiến đầu tư 1.000 tỷ đồng để phát triển quỹ đất (quỹ đất hiện tại là 681ha) nhưng sẽ tập trung dùng vốn tự có để đảm bảo tính an toàn.

Ông Nguyễn Huy Đức - Giám đốc Tài chính Nam Long - cho biết quý I năm trước, doanh số chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng thì quý I năm nay, con số này hơn 1.160 tỷ đồng. Thị trường bất động sản đang sôi động trở lại, quý đầu năm nay gấp gần 6 lần năm trước về doanh số.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm