Thị trường bán lẻ: “Phòng tuyến” nào cho hàng Việt?

(Dân trí) - Mối liên kết hàng Việt từ nhiều năm qua vẫn chưa minh chứng được kết quả cụ thể, thậm chí đã “manh nha” xuất hiện dấu hiệu “rơi vào bế tắc”, nếu như vẫn còn những “rào cản” từ chính nội bộ doanh nghiệp và nhà phân phối Việt…

Bài 1: “Vẽ lại” bản đồ bán lẻ

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại thị trường Việt Nam ước đạt 2.469,9 nghìn tỉ đồng (tương đương hơn 109,77 tỉ USD), tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ.

Thịt bán trong siêu thị (Ảnh: Quang Huy)
Thịt bán trong siêu thị (Ảnh: Quang Huy)

Bán lẻ vẫn đang là… con gà đẻ trứng vàng (!)

Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại. Dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45% với khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị trên cả nước, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 điểm và cửa hàng tiện ích lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn.

Rõ ràng, bán lẻ vẫn là con gà đẻ trứng vàng nên các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong và ngoài nước càng rốt ráo trong cuộc chạy đua đánh chiếm thị phần. Cuộc ganh đua này dẫn đến việc bản đồ của thị trường bán lẻ được phân chia mạnh mẽ.

Đối với doanh nghiệp trong nước, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và Tập đoàn Vingroup đang mở rộng chuỗi kinh doanh. Cụ thể, Saigon Co.op mới đây đã đưa vào hoạt động siêu thị Co.opmart thứ 80 trên toàn quốc. Ngoài ra, nhà bán lẻ này còn có hai đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại SC VivoCity, 96 cửa hàng Co.op Food và gần 200 cửa hàng Co.op.

Vingroup thì vừa “chào sân” nhưng không kém cạnh với hệ thống với 20 siêu thị và đại siêu thị VinMart cùng hơn 200 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên toàn quốc. Dự kiến đến năm 2017, VinMart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước từ việc tự đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại thông qua các giao dịch mua bán - sáp nhập (theo M&A).

Tuy nhiên, rầm rộ mở rộng thị trường phải kể đến các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Ngoài 32 siêu thị Big C của Tập đoàn Casino (Pháp), 19 trung tâm phân phối Cash & Carry của Tập đoàn Metro (Đức) đã hoặc đang trong quá trình rao bán, chuyển nhượng; Hàng loạt nhà bán lẻ ngoại khác đang tiếp tục gây dựng chuỗi kinh doanh của mình như tập đoàn AuchanSuper (Pháp), Nhà bán lẻ E-mart của Tập đoàn Shinsegae và tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), Parkson (Malaysia), Robins thuộc tập đoàn Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản)... đều đang đẩy mạnh đầu tư.

Trong số các doanh nghiệp bán lẻ, Saigon Coop là một doanh nghiệp có tiềm lực. Năm 2014, doanh thu của Saigon Coop đạt 26.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu BigC và Metro Việt Nam kết hợp lại với nhau, bản đồ ngành bán lẻ tại Việt Nam sẽ thay đổi nhanh chóng.

Số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nếu cộng doanh số tất cả các mảng liên quan đến bán lẻ, phân phối của TCC và BJC (BJC là công ty con của TCC) trên thị trường Việt Nam thì mỗi năm ước tính khoảng 33.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,6 tỉ USD/năm.

Bên cạnh đó, số lượng điểm bán cũng là một điều đáng quan tâm. Hiện tại, Saigon Coop có khoảng 80 siêu thị, trong khi hệ thống BigC + Metro Việt Nam có khoảng 50 điểm bán. Mặc dù vậy, hai chuỗi nước ngoài này phân bổ khá đồng đều ở cả phía Bắc và phía Nam, trong khi Saigon Coop mới chỉ phát triển mạnh ở từ miền Trung trở vào.

Vì vậy, có nhiều cơ sở để nói rằng “đối thủ” người Thái sẽ vượt qua người Việt ngay trên sân nhà. Không phải vô cớ mà Big C Việt Nam (sau khi chuỗi siêu thị này về tay tỉ phú Thái Lan) gần đây bất ngờ đòi tăng mức chiết khấu lên rất cao, có mặt hàng lên tới 25%. Một số doanh nghiệp còn cho rằng, đây thực chất là hình thức “đuổi khéo” hàng Việt của Big C Việt Nam để đưa hàng Thái về.

Thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ
Thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ

Quyền lực nhà phân phối

Quyết định của Big C chỉ là một biểu hiện nhỏ cho thấy “quyền lực” của các nhà phân phối. Trước hết là rào cản chiết khấu ngày càng cao, trở thành rào rản lớn đối vớ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn, xuất phát điểm chiết khấu cho siêu thị 5%, mỗi năm tăng thêm 1% và hiện có DN phải chịu mức chiết khấu đến 30%.

Khi siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán 15-30%, thời gian 10-30 ngày và mỗi năm 1-3 lần. Chưa hết, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, muốn mở mã hàng, ngoài khoản phí theo quy định của hệ thống siêu thị, doanh nghiệp phải "lót tay" từ 10 đến 20 triệu đồng/mã hàng cho riêng nhân viên bộ phận này.

Những hiện tượng này được bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thương mại Saigon Food, xác nhận tại hội thảo “Giải pháp cho thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển bền vững” do Hiệp hội DN TP.HCM tổ chức mới đây.

Theo bà Lâm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do hệ thống bán lẻ dù phát triển khá mạnh nhưng so với nhu cầu của doanh nghiệp là không đủ. Từ đó dẫn đến quyền lực của hệ thống bán lẻ quá lớn. “Với cách làm này, phải chăng doanh nghiệp đang “tiếp tay” cho siêu thị ngoại? Trong khi đó nhà bán lẻ nội thì 5 năm qua chưa thấy tổ chức hội nghị nào để lắng nghe doanh nghiệp, để biết họ đang cần gì. Chúng tôi thấy rất đau lòng!”, bà Lâm bức xúc.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica cho biết: “Đưa hàng vào siêu thị chỉ mong hòa vốn, chứ lãi thì không có vì chi phí lớn. Chính vì lý do này nhiều công ty lớn, có thương hiệu đã rút hàng ra khỏi siêu thị ngoại”.

Còn nhớ, do bị tăng chiết khấu không hợp lý, Công ty TNHH Minh Long 1 cũng từng tuyên bố rút toàn bộ hàng ra khỏi hệ thống Metro, mặc dù tổng doanh thu của Minh Long 1 từ hệ thống siêu thị này trong một năm hơn 30 tỉ đồng.

Chưa kể đến hàng loạt những rào cản khác khiến doanh nghiệp chật vật hơn trong siêu thị, như một số doanh nghiệp sản xuất trứng, rau quả bị ép làm nhãn hàng riêng. Nếu không chấp nhận gia công nhãn hàng riêng, thì doanh nghiệp có nguy cơ bị thay thế. Thế nhưng, khi đồng ý làm nhãn hàng riêng cho siêu thị, doanh nghiệp lại rơi vào thế tự mình cạnh tranh với chính mình khi siêu thị luôn có giá bán rẻ hơn…

V.K – Tr.L

Thị trường bán lẻ: “Phòng tuyến” nào cho hàng Việt? - 3