Thị trường bán lẻ: Đừng sợ người Thái hay Nhật, cơ hội vẫn còn đó!

(Dân trí) - "Nhà bán lẻ trong nước nên tự tin khi có điểm mạnh là am hiểu nền văn hóa vùng miền cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn nhà bán lẻ nước ngoài", chuyên gia khuyến nghị.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

"Miếng mồi béo bở"

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện trên cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác. Đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Dự báo, đến 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội, tương đương khoảng 25 - 30 tỷ USD.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thanh Bình (Học viện Ngân hàng), đây là miếng mồi khá béo bở. Đặc biệt với thị hiếu khách hàng và yêu cầu về dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm đang ở mức thấp như Việt Nam thì việc sở hữu thị phần bán lẻ còn là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng.

Trên thực tế, trong vài năm gần đây, các tập đoàn lớn nước ngoài như Lotte, Central, Aeon… đã đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam cho thấy tiềm năng cũng như cuộc đua giành thị phần của thị trường bán lẻ Việt Nam.

"Việc kết thúc đàm phán và ký các hiệp định như TPP, hiệp định thương mại với EU, hình thành Cộng đồng AEC, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chỉ ít tên tuổi doanh nghiệp Việt Nam lớn như Sài Gòn Co.op, Vingroup mới đủ sức tham gia vào cuộc đấu với các đại gia ngoại kể trên”, bà Bình đánh giá.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Trâm, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường, JLL Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bán lẻ trong nước khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tiềm năng dân số đến hơn 90 triệu người vào cuối năm 2015, kinh tế phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng đều 12% mỗi năm trong vòng 10 năm qua cũng như những cải tiến trong hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

"Các nhà bán lẻ nước ngoài đã hiện diện thì đang tích cực mở rộng thêm các trung tâm thương mại, những tên tuổi mới thì đang tích cực tìm kiếm cơ hội để thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này. Các nhà bán lẻ trong nước, điển hình là Vingroup và Coop.Mart cũng tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh của mình để có thể duy trì thị phần bán lẻ trong nước", bà Trâm nói.

Cơ hội vẫn còn đó

Trước làn sóng thâm nhập ngày càng tăng của các nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, các nhà bán lẻ trong nước có những áp lực nhất định vì thị phần sẽ bị chia nhỏ và nguy cơ thu hẹp hoạt động kinh doanh.

Theo bà Trâm: "Trong cuộc đua tranh dành thị phần này, nhiều người lo lắng về sự “yếu thế” của nhà đầu tư nội trước sự thâm nhập ngày càng nhanh của các ông lớn từ Nhật Bản và Thái Lan. Lo lắng là tất yếu vì người tiêu dùng hiện đại có thói quen mua sắm thông minh, chất lượng và mẫu mã đa dạng sẽ là tiêu chí ưu tiên chọn lựa, mà hai tiêu chí này hoàn toàn là lợi thế của các nhà bán lẻ ngoại, trong khi đó đây lại là hạn chế của nhiều nhà bán lẻ nội".

Tuy nhiên, bà Trâm cho rằng, hiện nay các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại các địa bàn không thuộc Hà Nội và TPHCM. Do đó, các nhà bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội để phát huy năng lực cạnh tranh của mình.

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ trong nước nên nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của mình một cách nghiêm khắc để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp nhất cho thị trường tiêu dùng Việt Nam. Nhà bán lẻ trong nước có điểm mạnh là am hiểu nền văn hóa vùng miền cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn nhà bán lẻ nước ngoài. Chính vì vậy, các nhà bán lẻ trong nước nên tập trung phát huy ưu điểm này để đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất.

"Tóm lại, cơ hội phát triển vẫn còn đó cho tất cả các nhà bán lẻ trong nước. Chỉ có điều là khả năng nắm bắt và tận dụng cơ hội của họ như thế nào mà thôi! Thực lực sẽ được nhìn nhận trong thời gian sắp tới!”, bà Trâm nói.

Đồng quan điểm, phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Dương Duy Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trên thực tế, Chính phủ cũng rất quan tâm tới thị trường bán lẻ và doanh nghiệp bán lẻ, tuy nhiên, việc khuyến khích phải theo khuôn khổ chung. Vấn đề còn lại là ở chính các doanh nghiệp.

“Chúng ta nói tới việc Big C ép chiết khấu cao hay Metro muốn đưa hàng Thái vào thay hàng Việt. Tuy nhiên, theo tôi, việc “anh” đưa hàng vào siêu thị của “tôi” phải chịu mức chiết khấu 20 - 30% tùy từng dòng hàng hóa khác nhau là câu chuyện của thị trường, tuân theo luật chơi rõ ràng. Vì không chỉ các doanh nghiệp FDI bán lẻ chiết khấu như vậy mà doanh nghiệp trong nước cũng thế. Đằng sau đó, các doanh nghiệp bao giờ cũng đặt tôn chỉ cao nhất của họ là làm sao phát triển được bền vững, có lợi nhuận".

“Đó là cuộc chơi. Không phải là vấn đề chiết khấu nhằm gạt ai ra, đưa ai vào. Thị trường có luật chơi của thị trường. Các doanh nghiệp FDI và trong nước phải tuân thủ theo luật chơi đó, thì mới sống được”, ông Hưng nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Trung Thành - Phó Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng Vietinbank, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có thêm ưu đãi và hỗ trợ.

"Nếu không ưu đãi thì làm sao mà chúng ta cạnh tranh được. Siêu thị trong nước mới được 10 - 15 năm trong khi nước ngoài người ta có hàng trăm năm tích luỹ kinh nghiệm. Siêu thị nội hầu hết phát triển rất manh mún và tiềm lực không đủ, hơn chục năm mà chỉ xây dựng được một chuỗi hơn chục siêu thị nhỏ, đến bày hàng cũng dựa theo kinh nghiệm tự tích luỹ”, ông Thành nói.

Phương Dung

Thị trường bán lẻ: Đừng sợ người Thái hay Nhật, cơ hội vẫn còn đó! - 2