Thị trường bán lẻ: "Doanh nghiệp FDI nhắm vào đâu thì đó toàn là vị trí đẹp"
(Dân trí) - Theo đại diện các nhà bán lẻ trong nước, các doanh nghiệp FDI có nguồn lực khổng lồ về nhiều mặt. Do đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước chỉ nỗ lực không thôi là chưa đủ mà còn cần phải có chính sách để ủng hộ, phát triển thị trường bán lẻ trong thời gian tới.
Phải chấp nhận sự có mặt của doanh nghiệp bán lẻ ngoại
Phát biểu tại toạ đàm nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVATA diễn ra sáng 6/7, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: "Đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng phát triển các mô hình hình bán lẻ trong 3 - 5 năm tới dường như tự tin hơn. Trong đó, với mô hình siêu thị tổng hợp khi ở các nước đã đi đến thoái trào, thì hơn 90% doanh nghiệp khảo sát cho rằng có tương lai phát triển".
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi có hay không nguy cơ bị thôn tính, bà Loan cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài được ví như cú hích bắt buộc doanh nghiệp Việt phải đứng lên, vượt qua chính mình, để cạnh tranh ngang bằng. Điều này có thể thấy qua các nước khác, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài là một điều tất yếu.
"Trong số 250 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu thế giới, có đến 40 tên tuổi đang hoạt động ở Úc. Vậy các nhà bán lẻ Úc có cảm thấy bị chèn ép không? Họ thấy và họ phải làm cách nào để vươn lên. Chúng ta phải chấp nhận sự có mặt của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài bên cạnh ta. Rõ ràng có họ buộc ta phải hiệu quả hơn, để cùng phát triển, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng", bà Loan nói.
Theo bà Loan, doanh nghiệp nước ngoài nào làm sai, vi phạm thì cần bị xử lý nghiêm túc, công khai, minh bạch, nhưng các doanh nghiệp làm tốt phải ủng hộ, và phải hợp tác. Bản thân các doanh nghiệp FDI cũng khiến thị trường sôi động hơn, thu hút thêm nguồn nhân lực.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI với nguồn lực khổng lồ về nhiều mặt. Đơn giản là khi họ nhắm vào địa điểm nào thì toàn địa điểm đẹp, doanh nghiệp Việt không đủ nguồn lực để thuê. Do đó, bản thân các doanh nghiệp chỉ nỗ lực không thôi là chưa đủ, chúng ta cần phải có chính sách để ủng hộ, phát triển thị trường bán lẻ trong thời gian tới", đại diện các doanh nghiệp bán lẻ nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, theo khảo sát, có hơn 50% doanh nghiệp Việt Nam đánh giá các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ làm cho cạnh tranh khó khăn hơn. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp đánh giá các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ mang đến tác động tích cực đến bán lẻ Việt Nam. Đặc biệt, trong tất cả các khía cạnh của hoạt động bán lẻ, doanh nghiệp có ưu thế nhất định trong việc hiểu tâm lý khách hàng so với các doanh nghiệp FDI.
"Ở tất cả các khía cạnh khác, doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy yếu kếm hơn. Số các doanh nghiệp khác cho rằng mình bất lợi hơn so với doanh nghiệp FDI chiếm 10%, 40 – 50% doanh nghiệp cho rằng mình vẫn có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI", bà Trang cho biết.
Hàng nhập chưa "quét" sạch hàng nội địa
Nói về các điểm yếu của doanh nghiệp bán lẻ trong nước, bà Loan chỉ ra rằng: "Doanh nghiệp bán lẻ còn yếu kém nhiều trong năng lực quản trị lao động. Bên cạnh đó là bất cập về chi phí thuê, thời gian thuê, quản lý của cơ quan địa phương. Khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng thấp, bán lẻ cũng không có gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ như bất động sản".
Đồng quan điểm, đại diện Trung tâm WTO cho rằng: "Liên quan đến nguồn cung, lao động, mặt bằng, vốn có nhiều khía cạnh bất ngờ. Tin tốt là phần lớn nguồn cung hàng hoá vẫn là hàng nội địa, điều này cũng giúp giảm lo lắng về việc hàng nhập khẩu quét sạch hàng nội địa".
Đáng lưu ý, theo bà Trang: "Mặc dù nguồn cung nội địa được đa số doanh nghiệp đánh giá thuận lợi, nhưng vẫn có tới gần 1/2 doanh nghiệp được hỏi cho rằng có khó khăn nhất định khi tiếp cận nguồn cung hàng nội địa. Ta ở trên nước ta, mua hàng của nhà sản xuất địa mà vẫn khó khăn thì đây là vấn đề kết nối nhà sản xuất với nhà bán lẻ".
Trong khi đó, về lao động, tuy nguồn ncung dồi dào, nhưng chất lượng chưa cao. Về mặt bằng, chi phí mặt bằng vẫn là vấn đề lo lắng lớn nhất của các doanh nghiệp bán lẻ. Số doanh nghiệp nói rằng khó khăn với mặt bằng ít hơn doanh nghiệp nói rằng khó khăn về chính sách, về thuế liên quan đến mặt bằng. Ngoài ra, chuyện phần lớn các doanh nghiệp phàn nàn thiếu vốn không lạ. Nhưng điều chúng tôi nhìn thấy là doanh nghiệp băn khoăn về việc hiện không có gói vay nào được thiết kế phù hợp với đặc điểm ngành bán lẻ".
Phương Dung