Thâm hụt thương mại Mỹ cao kỷ lục 12 năm đe dọa vị trí ông Trump

Thùy Dung

(Dân trí) - Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong tháng 7 năm nay, nhập khẩu của nước này đã tăng gần 11%, khiến thâm hụt thương mại tăng 18,9% lên 63,6 tỷ USD, cao nhất 12 năm qua.

Thâm hụt thương mại Mỹ cao kỷ lục 12 năm đe dọa vị trí ông Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố xóa bỏ thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Dữ liệu do Cục điều tra dân số Mỹ công bố tuần vừa qua cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng cao – sản lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc so với sản lượng mà họ xuất khẩu sang Trung Quốc đã cao hơn 31,62 tỷ USD.

Tốc độ thâm hụt thương mại tăng trong những tháng gần đây chắc hẳn sẽ làm chao đảo đến địa vị của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử năm 2016, chính ông Trump đã tuyên bố sẽ xóa bỏ khoảng cách thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc bởi ông cho rằng đây chính là sự bất bình đẳng trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, sự thật lại cho thấy những điều khác xa so với những gì mà ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố vào năm tranh cử 2016. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào tháng trước đã cao hơn 4,36% so với tháng 7 năm 2016 – thời điểm khi ông Trump đang vận động tranh cử chống lại mức thâm hụt thương mại lớn của Mỹ.

Vào tháng trước, mức thâm hụt này lại cao hơn 9,15% so với tháng 5 năm 2016 - một tháng sau khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc “cưỡng đoạt” Mỹ về thương mại.

Vào thời điểm đó, trong một cuộc vận động tranh cử ở Fort Wayne, Indiana, ông Trump cho rằng, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là vụ trộm lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Và ông Trump dường như vẫn giữ quan điểm đó trong suốt 4 năm qua – kể từ năm 2016. Với việc căng thẳng Mỹ - Trung hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua. Thương mại được coi là chất kết dính chặt chẽ để giữ mối quan hệ hai nước với nhau, nhưng giờ đây, có lẽ chính điều đó lại đang gây trở ngại cho Mỹ, chứ không phải là nguồn năng lượng cho ngôi nhà chung.

Việc Trung Quốc mua lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong những tuần gần đây cũng không hề thay đổi được vấn đề mấu chốt rằng “Trung Quốc không đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một” – một điều vốn dĩ rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump vào tháng 11 tới.

Trong chuyên mục về Nông nghiệp Toàn cầu của Thomson Reuters, nhà báo Karen Braun đã báo cáo rằng sản lượng xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2020 đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Mặc dù, trong tháng 8/2020, sản lượng xuất khẩu đã tăng trở lại ở mức 18% so với cùng kỳ năm ngoái song nhìn chung vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Tháng 7 vừa qua, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm qua do nhập khẩu tăng vọt trong khi xuất khẩu chỉ tăng với biên độ khiêm tốn.

Nhập khẩu của Mỹ từ Đài Loan cũng tăng lên mức kỷ lục trong tháng 7, góp phần thêm vào thâm hụt thương mại của Mỹ nói chung.

Các nhà kinh tế cho rằng, ưu tiên giảm thâm hụt thương mại đối với Mỹ là một việc làm hết sức ngu ngốc, vì đặc điểm kinh tế của Mỹ là tập trung vào tiêu dùng - có nghĩa là nước này đương nhiên sẽ mua nhiều hàng hơn từ các trung tâm sản xuất rẻ hơn, cấp thấp hơn.

Thêm vào đó, các nhà phê bình cho rằng, việc thâm hụt thương mại giảm 32% so với một năm trước trong quý đầu tiên không phải là lý do để chúng ta ăn mừng, bởi vì điều đó thể hiện sự sụt giảm tiêu thụ ở Mỹ và sự sụp đổ trong sản xuất ở Trung Quốc do Covid-19.