"Thảm họa kép" Covid-19 và tháng cô hồn, thị trường xe Việt có nguội lạnh?

An Linh

(Dân trí) - Đại dịch covid-19 quay trở lại và tâm lý dừng mua xe trong tháng cô hồn là thách thức lớn cho thị trường xe hơi Việt, liệu thị trường xe từ nay đến cuối năm có rơi vào cảnh nguội lạnh như lo ngại?

"Thảm họa kép" đang thách thức ngành xe hơi Việt Nam

Theo thống kê, 6 tháng qua doanh số bán ra của các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chỉ bán ra được hơn 126.000 chiếc, giảm gần 46.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Thảm họa kép Covid-19 và tháng cô hồn, thị trường xe Việt có nguội lạnh? - 1

Nhu cầu mua xe giảm sút, dịch bệnh đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xe Việt tương tự như hiện trạng ở nhiều nước khác.

Riêng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi giảm mạnh nhất với khoảng 28%, chỉ bán ra được hơn 92.000 chiếc, giảm hơn 36.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Doanh số các tháng 5,6 và 7 bắt đầu nhích tăng nhẹ so với 4 tháng đầu năm, song lại chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch bùng phát trở lại trong cuối tháng 7, điều này đe dọa sự phục hồi của thị trường xe Việt.

Với việc đại dịch xảy ra, doanh thu của ngành du lịch và lữ hành, giao thông vận tải trở nên bi đát nhất. Hầu hết khách du lịch hủy tour, hủy chuyến đi hoặc đến vùng có dịch, trong khi đó nhu cầu vận tải đi lại không cao, tác động trực tiếp đến nhu cầu mua xe chạy dịch vụ, xe chở khách kinh doanh bằng các app xe hợp đồng.

Một khó khăn lớn nữa ra với thị trường ô tô là tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn - tháng ngâu) tâm lý nhiều người không muốn mua sắm xe, xây dựng hoặc mua đất, nhà trong thời gian này. Mặc dù đây chỉ là tục lệ dân gian, chưa có khoa học minh chứng nào về mua sắm xe hơi trong tháng cô hồn đen đủi, không may mắn, song hầu như năm nào doanh số bán xe tháng 7 âm cũng suy giảm.

Cũng vì đẩy lượng xe bán ra, chốt doanh số nên hầu hết các đại lý, doanh nghiệp đều giảm giá xe trong tháng này để hy vọng không mất doanh số. Tuy nhiên, thông thường, các khách mua xe đều chỉ đặt cọc, ký hợp đồng và giao xe, giao tiền vào tháng sau, thay vì tháng 7 âm.

Hàng loạt biện pháp thúc doanh số xe hơi Việt Nam

Sau đại dịch lần thứ nhất tấn công Việt Nam, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% phí trước bạ cho xe hơi sản xuất, lắp ráp trong nước. Từ chỗ phí đánh ở mức 10%-12%/giá xe, người mua xe trong nước sẽ chỉ đóng phí 5-6%/giá trị xe. Mua xe trong nước khiến nhiều người có lợi từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Thảm họa kép Covid-19 và tháng cô hồn, thị trường xe Việt có nguội lạnh? - 2

Từ nay đến cuối năm, thị trường xe Việt vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan và người chủ động cuộc chơi nhất vẫn là các hãng xe bởi nếu giá xe giảm, người dùng Việt chắc chắn sẽ tăng mua mạnh vào cao điểm cuối năm

Trong khi Chính phủ áp dụng giảm 50% phí trước bạ cho khách mua xe trong nước, một số hãng xe như VinFast đã giảm 100% phí trước bạ cho khách hàng, điều này tạo động lực, giúp người mua xe trong nước được hưởng lợi và sức mua tăng lên nhanh chóng.

Một động lực thúc đẩy thị trường xe ấm lên là trong tháng 7, tháng 8/2020, rất nhiều mẫu xe kể cả lắp ráp lẫn nhập khẩu đều được giảm giá mạnh. Sơ bợ có đến gần 20 mẫu xe giảm giá, trong đó giảm ít nhất là từ 10-15 triệu đồng, giảm nhiều nhất là 200 triệu đồng/chiếc.

Thị trường xe Việt trong thời gian từ tháng 5 đến hiện nay dù khó khăn nhưng chứng kiến rất nhiều sự thay đổi đáng khích lệ. Cụ thể, xu hướng xe nhập chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam như Toyota Fortuner, Mitsubishi Xpander và Honda CRV... Động thái này thể hiện niềm tin chính sách miễn giảm hoàn toàn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô được Chính phủ ban hành trong tháng 5/2020.

Bên cạnh chính sách nhà nước, các hãng xe đã và đang rất cố gắng để vượt qua dịch và tiếp cận khách hàng từ nhiều hướng bằng cách ra hàng loạt mẫu xe mới như CRV của Honda, Seltos của Kia, Corolla Cross của Toyota... Điều này cho thấy nhiều kỳ vọng từ các doanh nghiệp, hãng xe đối với thị trường 100 triệu dân với sức mua đang được hồi phục mạnh mẽ.

Tuy nhiên, áp lực cho thị trường xe Việt, các doanh nghiệp xe đang rất lớn trong nửa cuối năm. Cụ thể, tình hình dịch bệnh đã và đang làm tổn thương đến tầng lớp trung lưu Việt Nam, khiến nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân giảm sút.

Bên cạnh đó, cuộc đua giảm giá, "dìm nhau xuống đáy" của các hãng khiến mặt bằng giá thay đổi nhanh, người mua xe lo ngại mất giá nhanh nên chủ động chờ đợi. Trong khi đó, các hãng và doanh nghiệp xe sẽ bị suy giảm lợi nhuận, giảm lãi do phải giảm giá cạnh tranh mà vẫn phải dồn sức chống dịch, giải quyết tồn kho hoặc chủ động tính phương án kinh doanh trong tình hình mới.