Vì sao xe Trung Quốc giá rẻ, "trang bị tận răng" vẫn "khó sống" ở Việt Nam?
(Dân trí) - Thị trường xe Việt chứng kiến sự đa dạng về xuất xứ các mẫu xe, nhiều nhất là xe Nhật, Hàn, Mỹ, EU... Trung Quốc dù là nước sản xuất xe lớn của thế giới nhưng xe nước này vẫn khó "sống" ở Việt Nam.
Ba cuộc đổ bộ xe Trung Quốc vào Việt Nam vẫn khó thành
Từ những năm đầu đổi mới, xe ô tô Trung Quốc như Lifan, Dongfeng, Chery đã gia nhập thị trường xe Việt Nam bằng hàng loạt mẫu xe nhỏ gồm hatchback, sedan.
Tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian nhất định, đến đầu những năm 2000, hàng loạt hãng xe Trung Quốc đành rời bỏ Việt Nam vì khó tồn tại, sức mua kém và không được lòng người tiêu dùng.
Thập kỷ này, xe Trung Quốc vẫn chủ yếu là mẫu đơn giản, không có nhiều tính năng nổi bật, dù giá rẻ nhưng tại Việt Nam, xe cũ của các thương hiệu Hyundai, Kia, Toyota, Honda được nhập về nhiều, giá tương đương với xe của Lifan, Chery, Dongfeng nên không có cửa dành cho hãng xe Trung Quốc.
Đến đầu những năm 2015, hàng loạt các hãng xe Trung Quốc tiếp tục đổ bộ sang Việt Nam lần thứ 2, các thương hiệu gồm Haima, Geely, Baic và Zotye... Chiến lược lần này của các hãng xe nội địa Trung Quốc là giá rẻ, mẫu mã đẹp, nội thất trang bị đầy nhằm đánh chiếm thị phần xe phổ thông, tầng lớp bình dân.
Giá bán của hầu hết mẫu xe sedan, SUV hay Crossover của Trung Quốc có giá dưới 800 triệu đồng, xe mẫu mã khá bắt mắt với nội thất được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, điểm trừ của các mẫu xe Trung Quốc là bị đánh thuế nhập khẩu cao từ 70% trở lên nên mức giá xe này vào Việt Nam vẫn ở nhóm phổ thông, không phải dòng xe siêu rẻ.
Dù có thiết kế kiểu dáng bắt mắt, song đa số các mẫu xe nội địa Trung Quốc đều có kiểu dáng giống các mẫu xe nổi tiếng thế giới, như Audi, Jaguar, Land Rover. Việc các thương hiệu xe Trung Quốc nhái các hãng xe danh tiếng đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng Việt bởi hầu hết không thích bỏ nửa tỷ để mua những mẫu xe hàng nhái hoặc copy mẫu mã thương hiệu xe sang nhưng chất lượng thì không sánh bằng.
Chính vì những lý do này nên cuộc đổ bộ lần thứ 3 của các mẫu xe Trung Quốc vào Việt Nam cũng không suôn sẻ gì. Thậm chí, trong năm 2019, hàng loạt mẫu xe lắp ráp hoặc sản xuất tại Trung Quốc bị phanh phui cài cắm bản đồ chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Xe Trung Quốc vốn bị nghi kỵ, càng thêm mất điểm trước người tiêu dùng Việt.
Một nguyên nhân khiến người Việt ít quan tâm xe Trung Quốc là do các kênh bán chính thức của xe Trung Quốc trước năm 2020 không mở ở Việt Nam. Các doanh nghiệp bán xe Trung Quốc hầu hết là gom mua các loại xe của nhiều hãng khác nhau để bán trên thị trường.
Đối với người có tiền mua ô tô, điều này được xem là khó chấp nhận, bởi bên cạnh yếu tố rẻ, họ còn phải được tận hưởng chính sách hậu bán hàng từ các hãng hoặc mong muốn đối tác bán hàng của mình phải kinh doanh nghiêm túc ở Việt Nam trên cơ sở đặt đại lý phân phối độc quyền ở Việt Nam.
Vì sao xe Trung Quốc mãi bị nghi vấn chất lượng!?
Theo chuyên gia về ô tô, ông Nguyễn Minh Đồng, xe nội địa Trung Quốc vẫn chỉ có thị phần ít ỏi ở chính Trung Quốc, chủ yếu dành cho người nghèo, địa phương xa xôi, các thành phố lớn dân vẫn đa số sử dụng xe lắp ráp như BMW, Audi, Volvo, Volkwagen....
Theo vị chuyên gia này, do có lợi thế về dân số hơn 1,2 tỷ dân, thị trường rộng lớn mà nhà đầu tư nào cũng cần nên Trung Quốc đều yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài bắt tay liên kết với hãng xe trong nước hoặc chuyển giao dần công nghệ. Sự bắt tay, học hỏi và được chuyển giao nên các hãng xe nội địa Trung Quốc lớn dần và đưa ra các mẫu xe nội địa hoặc theo kiểu "máy hãng" vỏ gia công, đa phương tiện lai tạo... điều này tạo ra nhiều dòng xe lai, sao chép nhiều mẫu xe lớn trên thế giới.
"Ở Trung Quốc, các mẫu xe này không chịu ảnh hưởng lớn từ thương hiệu nước ngoài, nhưng khi xuất khẩu, chúng sẽ chịu nhiều chỉ trích bởi chính các hãng xe lớn hoặc nghi ngại từ chính người tiêu dùng", ông Đồng cho biết.
Theo vị chuyên gia về ô tô, cũng chính sự chắp vá máy móc, kiểu dáng, công nghệ và đa phương tiện, nên có thể nhìn xe Trung Quốc đẹp song người ta đặt câu hỏi về chất lượng các mẫu xe trên có thực sự tốt khi mà nhà sản xuất không đi từ cỗi lõi, chưa phân phối độc quyền.
Thực tế, theo một số chuyên gia và người am hiểu về xe, quá trình chuyển giao và lớn mạnh của các thương hiệu xe các quốc gia đều là sự học hỏi lẫn nhau. Ngành xe hơi của Hàn Quốc cũng từng học hỏi và cạnh tranh quyết liệt với ngành xe hơi Nhật Bản để cho ra đời những hãng xe mang thương hiệu đất nước này. Hay Thái Lan dù là nước sản xuất xe lớn của thế giới nhưng không hề có mẫu xe thương hiệu quốc gia, song xe sản xuất tại đây vẫn được thừa nhận nhiều ở các quốc gia khác bởi tuân thủ theo chuỗi sản xuất và thương hiệu thế giới.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xe nhưng trước năm 2018 hầu hết là lắp ráp từ các hãng, chỉ đến năm 2019 VinFast ra mẫu xe riêng trên cơ sở mua công nghệ, máy móc nước ngoài để thiết kế một mẫu xe Việt hoàn chỉnh.
"Trong bối cảnh toàn cầu hóa xe hơi và chuỗi sản xuất, việc học hỏi, mua công nghệ, máy móc và đa dạng hóa linh kiện, thậm chí mua thiết kế các hãng lớn không làm xấu đi uy tín các hãng xe hoặc ảnh hưởng đến chất lượng xe. Điều quan trọng nhất là các hãng, doanh nghiệp phải "đánh bài ngửa" với người tiêu dùng về công nghệ này, thiết bị này tốt hay không tốt, sự kết hợp các công nghệ đem đến nhưng gì cho người tiêu dùng và để thuyết phục khách hàng, giá cả chưa hẳn quan trọng mà chính là thái độ làm ăn chân chính và uy tín thương hiệu mang tầm quốc gia", một chuyên gia xe hơi bình luận.