Tây Nguyên: Điêu đứng vì nạn phân bón giả, kém chất lượng

(Dân trí) - Nghe những lời quảng cáo “mát tai” về những loại phân bón tốt cho cây trồng, nhiều người nông dân sẵn sàng chi ra tiền triệu để mua phân về chăm bẵm cho vườn cây. Tuy nhiên, không ít người phải chịu thiệt hại nặng nề từ những loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả.

Mất trắng vì tin mua phân bón qua truyền miệng

Tại tỉnh Đắk Lắk, qua mỗi đợt kiểm tra Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đều phát hiện những sai phạm trong kinh doanh phân bón như: cửa hàng không có giấy phép kinh doanh, phân bón đã quá hạn sử dụng vẫn được bày bán, kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả, không niêm yết giá sản phẩm.


Trên 2 tấn phân bón quá đát bị phát hiện (ảnh Chi cục quản lý thị trường)

Trên 2 tấn phân bón quá đát bị phát hiện (ảnh Chi cục quản lý thị trường)

Giữa hàng trăm loại phân bón, người dân rất hoang mang và mua phân bón dựa trên sự truyền miệng giữa nhà nông với nhau hoặc nghe lời quảng cáo từ chủ đại lý phân bón để mua phân.

Điển hình như trường hợp của gia đình anh Ma Văn Phú (ngụ thôn 2, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) qua lời giới thiệu của Hội nông dân thôn anh đã mua một lúc 5 tấn phân giá 5,5 triệu đồng/tấn phân hữu cơ của công ty phân bón Humic Quảng Ngãi. Sau đó, vợ chồng anh Phú tiến hành đem phân ra bón cho 1.000 trụ tiệu của gia đình đang trong giai đoạn ra quả.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau vợ chồng anh tá hỏa khi vườn tiêu có dấu hiệu héo lá, rụng đốt, trái rụng rất nhiều nên đã vội vàng điện báo cho phía công ty. Khi công ty cử người xuống xem xét và cho rằng gia đình anh Phú đã bỏ phân sai quy trình dẫn đến sự việc. Tuy nhiên, gia đình anh Phú không bằng lòng với cách trả lời này của Công ty phân bón nên đã làm đơn gửi cơ quan chức năng tiến hành làm rõ.

Vườn tiêu của gia đình anh Phú bị rụng quả, rụng lá sau khi bón phân
Vườn tiêu của gia đình anh Phú bị rụng quả, rụng lá sau khi bón phân

Đoàn Liên ngành 389 tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu phân hữu cơ của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic - Quảng Ngãi gửi đi kiểm nghiệm tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM. Kết quả, chất hữu cơ có trong phân bón là 28,5% cao hơn so với công bố trên bao bì 13,5% (trên bao bì là 15%); đạm 3,47% thấp hơn so với công bố trên bao bì là 0,53% (bao bì là 4%).

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm phân bón, phía công ty phân bón đã nhận sẽ bồi thường cho gia đình anh Phú 70 triệu đồng nhưng phía gia đình anh Phú không chấp nhận và cho biết thiệt hại trên 1.000 gốc tiêu của gia đình là lớn hơn rất nhiều so với mức bồi thường này.

“Sau khi gia đình tôi bón phân đến nay đã 4 tháng trời nhưng phía công ty vẫn im hơi lặng tiếng chưa có một động thái gì giúp gia đình. Tôi rất mong các cơ quan chức năng phải có sự giải quyết như thế nào để người nông dân như chúng tôi bớt khổ cực, chứ thế này chỉ có nước chết đói, gia đình ly tán mất”, anh Phú cay đắng nói.

Bên cạnh trường hợp của gia đình anh Phú, còn rất nhiều trường hợp nông dân khác cũng điêu đứng khi mua phải phân bón giả, phân kém chất lượng dẫn đến thiệt hại lớn cho gia đình.

Vào ngày 10/7 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục quản lý thị trường tỉnh) đã phát hiện tại kho phân bón của ông Trần Văn Thiện (ngụ phường Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) chứa hơn 100 tấn phân đã hết hạn sử dụng.


Phân bón hòa trong nước không tan, bón 5 tháng vẫn y nguyên khiến nông dân lo lắng

Phân bón hòa trong nước không tan, bón 5 tháng vẫn y nguyên khiến nông dân lo lắng

Cơ quan chức năng phát hiện có khoảng 2.00 bao phân NPK 8-2-8 + TE được sản xuất tại Nhà máy phân bón Thiên Nông (TP. HCM) đã hết hạn sản xuất từ năm 2015. Trên bao bì bao phân ghi ngày sản xuất tháng 11/2013, thời hạn sử dụng 2 năm (tức đến tháng 11/2015). Như vậy, thời điểm kiểm tra (7/2017), số phân bón này đã hết hạn hơn 2 năm và đang được chuẩn bị tung ra thị trường.

Tiến hành lấy số phân này đi kiểm định chất lượng, cơ quan chức năng còn phát hiện toàn bộ số phân bón này không có đủ hàm lượng dinh dưỡng như đã ghi trên bao bì.

Tại hội nghị sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường cho rằng, cơ quan chức năng liên tục tổ chức kiểm tra, rà soát phân bón giả, phân kém chất lượng nhưng việc buôn bán, kinh doanh vẫn diễn ra do chế tài xử lý còn quá nhẹ nên các cơ sở này đã bất chấp.

Bên cạnh đó, phía Chi cục quản lý thị trường cũng khuyến cáo người dân cần mua những sản phẩm có thương hiệu, uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng. Không nên chạy theo những sự quảng cáo hoặc những ưu đãi của sản phẩm để mua, tránh mua phải phân giả, phân kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Phân bón kém chất lượng “trà trộn” vào hội thảo

Thực tế tại Đắk Nông, tính đến 11/2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cấp phép cho hơn 500 buổi hội thảo, giới thiệu, tiếp thị phân bón tại các địa phương trong tỉnh. Tính trung bình, mỗi năm mỗi thôn, bản đều có 1 cuộc hội thảo, giới thiệu, tiếp thị phân bón.

Theo phản ánh của nhiều người dân, phần lớn các buổi hội thảo, sau khi kết thúc người tham dự sẽ được tặng một số sản phẩm về dùng thử. Những sản phẩm tặng này có chất lượng rất tốt nên họ đã chọn mua sản phẩm với số lượng lớn để bón cho cây trồng, nhưng sau đó gặp phải phân bón kém chất lượng.


Một hộ nông dân phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích cà phê 2 năm tuổi chết khô sau khi bón phân

Một hộ nông dân phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích cà phê 2 năm tuổi chết khô sau khi bón phân

Anh Hoàng Văn Sóng (thôn 4, xã Nhân Cơ) cho biết, vừa rồi Công ty TNHH Nam Long (xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp) có tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm phân bón vi sinh nhãn hiệu BM001 của công ty cổ phần VIETSTAR. Trước lời quảng cáo về chất lượng của sản phẩm, anh Sóng đã mua 1 tấn phân với giá 6,5 triệu đồng và được công ty tặng kèm thêm 1 chai phân nước.

Tuy nhiên, đến khi mở bao phân bón cho cà phê thì anh phát hiện ra phân vi sinh BM001 có nhiều tạp chất. Anh Sóng lấy khoảng 2 kg phân cho vào nước khuấy tan thì thấy có một lượng lớn tạp chất là gạch, ngói, xà bần và thủy tinh đọng lại, ước chừng bằng 30% lượng phân.

Tương tự, gia đình anh Hoàng Văn Dạt (ngụ thôn 4, xã Nhân Cơ) sau khi tham dự hội thảo cũng mua 1 tấn phân bón vi sinh nhãn hiệu BM001 để bón cho vườn tiêu của gia đình. Tuy nhiên, một ngày sau khi bón phân, trên nền đất của gia đình anh này xuất hiện nhiều sành, sỏi, mảnh chai, thủy tinh cùng nhiều tạp chất khác.

Ông Vũ Thành Đoan, Chủ tịch hội Nông dân xã Nhân Cơ cho biết, khi bị phản ánh phân bón có biểu hiện bất thường, đại lý phân phối đã đổi bằng phân khác, tuy nhiên vì lo sợ không đảm bảo chất lượng nên người dân đang để tồn kho loại phân bón này rất nhiều.

Đến ngày 24/10, Sở NN &PTNT tỉnh Đắk Nông có báo cáo về kết quả xác minh thông tin phân bón của Công ty Cổ phần Vietstart. Theo đó, phân bón được sản xuất chủ yếu từ nguồn rác thải, trong quá trình sản xuất, dù đã qua nhiều quy trình nhưng vẫn không loại bỏ hết được tạp chất. Lô hàng mà các hộ dân xã Nhân Cơ mua phải có lẫn vỏ sò, mảnh thủy tinh to hơn bình thường là lỗi kỹ thuật… do sàn lưới bị thủng.

Bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông cho rằng, mật độ các chương trình, hội thảo giới thiệu, tiếp thị phân bón hàng năm của địa phương là nhiều. Một số thương hiệu phân bón chưa có uy tín trên thị trường chọn cách này để giới thiệu sản phẩm, khiến nông dân bị nhiễu thông tin.

Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý thị trường, hiện toàn tỉnh có tới 100 nhà nhập khẩu, phân phối phân bón với hơn 500 cơ sở kinh doanh trực tiếp phần lớn sản phẩm phân bón trên thị trường tỉnh là được nhập từ các địa phương khác. Tính đến hết 20/9/2017, đơn vị này đã phát hiện 117 vụ vi phạm hoạt động kinh doanh phân bón vô cơ, trong đó có 7 vụ phân bón kém chất lượng, 2 vụ phân bón giả, 2 vụ nhập lậu, 1 vụ phân bón không rõ nguồn gốc… tổng số tiền phạt hơn 530 triệu đồng.

Thúy Diễm – Dương Phong