Nạn phân bón giả hoành hành: Do lợi ích nhóm thao túng

(Dân trí) - "Theo Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thực trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước. Năm 2015 là trên 4000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là trên 5000 vụ vi phạm. Trong đó nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở."

Nạn phân bón giả hoành hành: Do lợi ích nhóm thao túng - 1

Nạn phân bón giả đang hoành hành

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Hạc Thuý – Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” diễn ra chiều nay (9/8) tại Hà Nội.

Nguyên do của tình trạng phân bón giả ngày càng hoành hành qua mỗi năm, ông Thúy khẳng định rằng: “Điểm tồn tại lớn nhất hiện nay cần phải nói là lợi ích nhóm.”

“Do đó, nếu vi phạm, làm phân bón giả mà chỉ phạt hành chính thì sẽ làm hỏng ngành phân bón Việt Nam, mà cần phải xử lý theo pháp luật và quy trách nhiệm.”, ông Thúy nói.

Cùng có mặt tại buổi tọa đàm, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nói: “Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn gây nguy cơ về nước, ô nhiễm môi trường trường, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và bà con nông dân.”

“Cụ thể, doanh nghiệp thường xuyên sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ trong nước, mặc dù chất lượng kém, nhưng lại dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài”, ông Thái cho biết thêm.

Điểm mặt các tỉnh thành mà tình trạng này đang xảy ra nghiêm trọng, ông Thái cho biết: “Các tỉnh thành có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thường tập trung tại Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An. Các cơ sở này thường sản xuất phân bón kém chất lượng mà không bám vào quy chuẩn đã được Bộ Công thương quy định.”

“Không những vậy, doanh nghiệp còn đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì sẵn sàng thay thế loại phân bón khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường lợi dụng trình độ nhận thức của bà con nông dân chưa cao, ham mua đồ rẻ để quảng bá, bán hàng kém chất lượng nhằm thu lợi nhuận.”, ông Thái nói thêm.

Sợ phân bón nhái hơn phân bón giả

Đứng từ góc độ của một doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn, ông Vũ Xuân Hồng - Phó TGĐ Cty CP Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao cũng không khỏi bức xúc: “DN chúng tôi hiện đang rất e ngại phân bón nhái và kém chất lượng. Bởi, chúng ta hiện chưa có quy chuẩn để xác định những sản phẩm này. Nhưng, các đơn vị sản xuất này vẫn được cấp phép sản xuất, hợp chuẩn, hợp quy. Chỉ khi kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể mới phát hiện ra lệch quy chuẩn mà DN đăng ký.”

“DN chúng tôi hiện lo ngại vấn đề phân bón nhái hơn là phân bón giả. Vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón hàng nhái này rất ít, các DN này còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, lừa bịp người dân và cơ quan quản lý”, ông Hồng nói.

Đưa ra một ví dụ cụ thể, ông Hồng kể: “Sản phẩm phân NPK, có rất nhiều DN làm nhái và cho rằng đó chỉ là tên họ đăng ký với hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Khi sản phẩm bán ra thị trường, DN này lại bán sát giá với phân bón những đơn vị sản xuất chuẩn, dẫn đến lợi nhuận của DN này rất cao và cạnh tranh giá với các DN chân chính.”

“Với nhiều cơ chế và cách luồn lách, các DN làm hàng nhái ưu đãi cao cho đại lý, dẫn đến các đại lý lại hướng người dân mua những phân bón nhái này. Thậm chí, có những đại lý không nhập phân bón thật mà chỉ nhập hàng nhái, hàng giả về bán”, ông Hồng bức xúc.

Để giải quyết tình trạng này, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiến nghị: “Nên bổ sung lại Nghị định 202 vì có nhiều bất cập. Nghị định này đã có hiệu lực được hơn 3 năm nhưng định nghĩa về các chất chính trong phân bón vô cơ chưa đầy đủ.”

Ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia
Ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia

“Ngoài ra, các Bộ, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn phải chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ ban hành bộ quy chuẩn về phân bón Việt Nam, đồng thời quy định rõ các lần giám định cần thiết.”

Đặc biệt, ông Thái nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp với cán bộ tại tất cả các cơ quan quản lý nhà nước. Cán bộ phải kiểm tra, thẩm định, xác minh chính xác các điều kiện của doanh nghiệp cần có mới được cấp phép.”

“Với các trung tâm kiểm nghiệm, thẩm định, cần có máy móc hiện đại, bám vào quy chuẩn nhà nước ban hành để chứng nhận. Ngoài ra, nên tăng cường thanh tra kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón để kịp thời phát hiện những hành vi kinh doanh sai trái của doanh nghiệp”, ông Thái nói.

Thế Hưng

Nạn phân bón giả hoành hành: Do lợi ích nhóm thao túng - 3