Tăng trưởng quý I thấp do nền kinh tế thiếu động lực phát triển
(Dân trí) - Tăng trưởng quý I/2017 của kinh tế Việt Nam thấp là do nền kinh tế thiếu các động lực phát triển, nhập siêu cao, lạm phát đang tăng trở lại, trong khi sự thay đổi chính sách sản xuất của doanh nghiệp (DN) lớn như Samsung đã tác động tiêu cực, giảm nhịp độ tăng trưởng đất nước.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm "Dự báo Kinh tế quý II/2017" vừa diễn ra tại Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCIF) sáng nay (5/4).
Theo TS Đặng Đức Anh, Ban Nghiên cứu Trung tâm NCIF: Tăng trưởng quý I/2017 thấp khiến nhiều người bất ngờ bởi nếu nhìn sâu hơn thì kỳ vọng của DN với quá trình tái cơ cấu sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và lượng doanh nghiệp (DN) đang tăng mạnh sẽ khiến GDP tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Theo phân tích của TS Đức Anh, giảm tăng trưởng quý I/2017 do nguyên nhân sâu xa từ tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa được cải thiện dù Chính phủ đã "bắt tay, chỉ việc" cho nhóm DN lớn đầu tư vào ngành. Gia tốc tăng trưởng của Việt Nam dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, cuối năm 2016 và đầu năm 2017, các máy Samsung ở Việt Nam ngừng sản xuất một số sản phẩm điện thoại di động điều này đã tác động ngay đến xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Anh nói: Để có động lực tăng trưởng mới, chúng tôi kiến nghị thực hiện giải pháp cải thiện bộ máy thể chế, tăng hỗ trợ và sức cạnh tranh của khu vực tư nhân, đồng thời cần hiện thực hóa những Nghị quyết của Chính phủ.
Theo dự báo của NCIF, chỉ số mua hàng (MPI), tăng nhập khẩu khu vực sản xuất trong quý I/2017 điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng quý II/2017 tốt hơn. Dự đoán của Trung tâm NCIF, quý II/2017 GDP có thể tăng 5,6% (theo kịch bản cơ sở) và kịch bản kế hoạch là 6,27%. Cuối năm, GDP sẽ tăng từ 6,2 - 6,68%.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng nhấn mạnh: Quý I/2017, nhập siêu tăng mạnh trở lại sau năm 2016 xuất siêu. Các mặt hàng nhập siêu lớn chủ yếu do nguyên vật liệu và thiết bị. Điều này có hai mặt, điểm tốt là chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho tương lai, có tiềm năng phát triển, tương tự như chỉ số PMI.
Tuy nhiên, yếu tố tiêu cực là Việt Nam quá lệ thuộc vào khu vực FDI. Khu vực DN ngoại đang có tốc đô nhập khẩu nguyên phụ liệu rất cao, biến Việt Nam thành bàn đạp xuất khẩu cho các DN lớn. Nếu so sánh xuất khẩu, tháng 3, khu vực FDI chiếm 72% trị giá xuất khẩu cả nước, thì nhập khẩu, khu vực này cũng đóng góp hơn 60% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính đến hết tháng 3/2017, về giá trị xuất khẩu khu vực FDI đóng góp 72%; tỷ lệ giá trị nhập khẩu, họ cũng chiếm gần 60%.
Ông Lực nói: Tăng trưởng thấp còn quá trình tái cơ cấu khu vực công, cổ phần hóa DN lớn dậm chân tại chỗ. Chưa có DN Nhà nước tầm cỡ lớn được cải cách trong quý I vừa qua, trong khi đó có nhiều dịch vụ công: giao thông vận tải, y tế... gia tăng khiến lạm phát tăng trở lại.
Ông Lực cảnh báo: "Mức lạm phát quý I là 4%, tôi khẳng định, không thể chủ quan xem thường lạm phát bởi nguyên nhân của nó chủ yếu là do giá dịch vụ công tăng lên. Đáng lưu ý, trong nhóm mặt hàng bình ổn giá, năm 2017 Chính phủ sẽ ưu tiên cho tăng giá điện sau nhiều năm chúng ta vẫn phải giữ giá".
Nguyễn Tuyền