Tái cơ cấu Sông Đà và HUD: Bộ không can thiệp vào quản lý, điều hành

(Dân trí) - Việc quản lý các Tổng công ty sau khi kết thúc thí điểm hình thành 02 Tập đoàn của Bộ Xây dựng không giống như mô hình Bộ chủ quản trước đây. Bộ không can thiệp trực tiếp vào mọi công tác quản lý, điều hành kinh doanh của doanh nghiệp (DN)…

Việc kết thúc thí điểm thành lập hai Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam và Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi cho mô hình quản lý sau này của các tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
 
Thứ trưởng Trần Văn Sơn
Thứ trưởng Trần Văn Sơn

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định kết thúc thí điểm hình thành hai tập đoàn và chuyển công ty mẹ, các tổng công ty thành viên về trực thuộc Bộ xây dựng, liệu có sự khác biệt nào về mô hình Bộ chủ quản so với trước đây, thưa Thứ trưởng?

Việc quản lý các Tổng Công ty sau khi kết thúc thí điểm hình thành 02 Tập đoàn của Bộ Xây dựng không giống như mô hình Bộ chủ quản trước đây. Bộ không can thiệp trực tiếp vào mọi công tác quản lý, điều hành kinh doanh của DN mà quản lý với tư cách là chủ sở hữu cấp trên theo quy định pháp luật.

Vì vậy, nhiệm vụ chính của Bộ là quyết định bổ nhiệm nhân sự chủ chốt, phê duyệt Điều lệ, Kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm, phê duyệt chủ trương để thành lập công ty con, thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý, điều hành của Hội đồng thành viên, bộ máy của điều hành của Tổng công ty theo các quy định của pháp luật

Theo Thứ trưởng, việc giao Bộ Xây dựng quản lý các Tổng công ty là tin tốt hay tin xấu?

Tôi cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi để ngành Xây dựng triển khai các chương trình, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặc biệt là Chương trình phát triển nhà ở xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo… đồng thời chỉ đạo các Tổng công ty hoàn thành tốt việc thi công các công trình trọng điểm nhà nước, các công trình mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác chưa có điều kiện tham gia.
 
Bộ Xây dựng không can thiệp vào kinh doanh của DN (ảnh minh họa)
Bộ Xây dựng không can thiệp vào kinh doanh của DN (ảnh minh họa)

Sau khi chuyển giao các Tổng công ty về Bộ Xây dựng thì những DN thuộc 02 Tập đoàn trước đây đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Xây dựng có giải pháp trước mắt nào để tháo gỡ?

Trước mắt, Bộ Xây dựng nhanh chóng ổn định tổ chức. Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các Tổng công ty để tập trung tháo gỡ khó khăn cho những DN có nhiều khó khăn đang làm ảnh hưởng lớn đến hiêu quả sản xuất kinh doanh;

Chỉ đạo các tổng công ty khẩn trương hoàn thiện đề án tái cơ cấu DN theo quyết định số 929 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phân tích, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp tái cơ cấu  phù hợp đối với từng DN; đồng thời kiên quyết thoái vốn tại các DN không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường để giảm bớt đầu mối DN, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt các Tổng Công ty khẩn trương cổ phần hóa theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay chúng ta đang chọn mô hình, phân công, phân cấp thực hiện các quyền trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại DN nhà nước. Dư luận có ý kiến tại sao không chọn mô hình thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý tất cả các DN nhà nước như mô hình một số nước trên thế giới đang làm?

Nhìn chung, DNNN ở các nước chiếm tỷ trọng nhỏ, số lượng ít, đặc biệt là rất ít nước có DNNN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Ở Việt Nam, hiện có hơn 1.300 DN có 100% vốn nhà nước và nhiều DN nhà nước nắm giữ chi phối, hoạt động ở nhiều ngành nghề. Đây là lực lượng nòng cốt để đảm bảo cho kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Trong khi đó, chúng ta chưa thể có một cơ quan chuyên trách, đủ cán bộ am hiểu tất cả mọi ngành, mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh để quản lý tất cả các DNNN.

Hơn nữa, Nhà nước là một thể thống nhất, bất kể cấp quản lý nào cũng là đại diện cho nhà nước. Vì thế, nếu các Bộ Tổng hợp, các Bộ quản lý chuyên ngành được phân công thay Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm là người đại diện chủ sở hữu thì về bản chất, đó chỉ là cụ thể hóa sự phân cấp cho phù hợp với tình hình thực tế mà thôi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Lan Hương
(ghi)