“Hạ cấp” tập đoàn Sông Đà, HUD thành tổng công ty

(Dân trí) - Theo Quyết định mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị sẽ được thành lập trên cơ sở tổ chức lại tập đoàn Sông Đà và tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD).

2 tập đoàn của ngành xây dựng nhận quyết định cơ cấu lại.
2 tập đoàn của ngành xây dựng nhận quyết định cơ cấu lại.
 
Quyết định số 1428 ký ngày hôm qua (2/10/2012) của Thủ tướng xác định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD).
 
Đầu tháng 1/2010, Thủ tướng ký quyết định thành lập 2 tập đoàn này trên cơ sở tổ chức lại 11 tổng công ty của Bộ Xây dựng. Tập đoàn Công nghiệp xây dựng VNIC lấy Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị HUD lấy Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị làm nòng cốt.

Tháng 12/2011, Chính phủ tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế. 2 tập đoàn xây dựng này không đạt được mục tiêu đề ra khi thành lập là hình thành các tập đoàn xây dựng lớn, trở thành tổng thầu, chi phối lĩnh vực bất động sản, các tổng công ty chọn làm nòng cốt không thực hiện được vai trò nòng cốt. Thực tế quản lý, phát triển và hiệu quả sản xuất kinh doanh đặt ra yêu cầu không nên tiếp tục duy trì 2 tập đoàn này.

Sau gần 2 năm, 2 mô hình thí điểm này nhận lệnh kết thúc. Thủ tướng giao Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thành lập Tổng công ty Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà trước đây. Tương tự, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị cũng được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn HUD và các đơn vị thành viên của tổng HUD trước đây.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Bộ Xây dựng nhận nhiệm vụ chỉ đạo sắp xếp tổ chức sản xuất, ổn định bộ máy, cán bộ... để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ này.

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, quyền quản lý phần vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng và Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng từ Tập đoàn Sông Đà về Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Xây dựng chuyển 7 Tổng công ty khác về trực thuộc Bộ Xây dựng, gồm Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng; Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ bổ nhiệm Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên; thông qua để Hội đồng thành viên bổ nhiệm Tổng Giám đốc đối với các tổng công ty này.

Việc cổ phần hóa 7 Tổng công ty này cũng được giao cho Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thực hiện.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm