Vì sao mô hình tập đoàn HUD và Sông Đà thất bại?

(Dân trí) - Bộ Xây dựng nhận định việc hình thành tập đoàn xây dựng nhà nước với hàng trăm công ty con thì việc hình thành Tập đoàn thực hiện trên cở sở liên kết hành chính, chưa thực hiện là nhu cầu tự thân của liên kết tự thân theo quy luật.

Hai tập đoàn Sông Đà và HUD sẽ trở thành các tổng công ty
Hai tập đoàn Sông Đà và HUD sẽ trở thành các tổng công ty
 

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu hai tập đoàn kinh tế nhà nước ngành Xây dựng.

Trong bản báo cáo phương án tái cơ cấu hai tập đoàn Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) - vừa được Chính phủ phê duyệt ngừng thí điểm, trở lại thành các tổng công ty, lần đầu tiên bộ Xây dưng đưa ra nhiều đánh giá về những điểm hạn chế do quyết định hành chính từ việc hình thành hai tập đoàn này.

Bộ Xây dựng đánh giá, do hình thành trên cơ sở liên kết hành chính, nhiều tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, nên quy mô tập đoàn tăng đột biến. Tập đoàn Sông Đà đang có vốn đầu tư ở 4 cấp doanh nghiệp với tổng số thành viên lên tới 230 đơn vị; Tập đoàn HUD có 183 đơn vị.

Vốn của công ty mẹ được thực hiện và phân tán ở nhiều tầng nấc với số doanh nghiệp lớn nên việc quản lý, giám sát tình hình sử dụng vốn góp tại 4 cấp doanh nghiệp gặp khó khăn.

Về việc quản lý quá nhiều công ty con, Bộ Xây dựng chỉ ra hạn chế việc hình thành tập đoàn “tâm lý của các đơn vị tham gia tập đoàn chưa được giải tỏa”.

Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa năng lực quản lý, điều hành của công ty mẹ tập đoàn với yêu cầu quản lý của Tập đoàn đối với các đơn vị thành viên. Trong khi đó, quyền tự chủ của các đơn vị thành viên bị hạn chế do công ty mẹ-công ty con không thể cùng tham gia đấu thầu trong cùng một công trình, dự án đầu tư...

Và kết cục dẫn tới, tỷ suất lợi nhuận trên/vốn chủ sở hữu đạt thập và giảm sút nhiều so với trước khi tham gia Tập do phải gánh thêm những tồn tại, yếu kém về tài chính của một số Tổng công ty con trước đây.

Cụ thể, Công ty mẹ Tập đoàn Sông Đà tỷ suất lợi nhuận/Vốn sở hữu năm 2009 trước khi tham gia tập đoàn đạt 9,72%, năm 2010 sau một năm giảm đáng kể chỉ đạt 1,43%, và năm 2011 đạt 0,75%.

Tương tự,  công ty mẹ Tập đoàn HUD, tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu năm 2009 trước khi tham gia Tập đoàn đạt 15,96%, năm 2010 là 12,48%, tới năm 2011 chỉ còn 4,94%.

Ngoài ra, theo bộ Xây dựng có nhiều đơn vị trong 2 Tập đoàn này gặp rất nhiều khó khăn, mất cân đối tài chính do có nhiều tồn tại từ trước khi gia nhập Tập đoàn, có số lỗ lũy kế ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chung của Tập đoàn.

Bộ Xây dựng đánh giá, trong thời gian tới nếu có nhiều dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, chắc chắn số lỗ còn tăng hơn nhiều.

Về những khó khăn từ mô hình liên kết hành chính trên, Bộ Xây dựng cho rằng, xuất phát từ thực trạng của 2 Tập đoàn nêu trên, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có nhiều khó khăn do chịu tác động lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, việc duy trì hoạt động của 2 Tập đoàn sẽ làm tăng áp lực cho công ty mẹ trong việc xử lý những tồn tại về tài chính cho các đơn vị thành viên do năng lực hạn chế.
 
Thông Chí