1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vấn đề kinh tế "nóng" trong tuần:

Sửng sốt: Doanh nghiệp 138 lần bị thanh tra; Lãi suất huy động “vọt” gần 9%/năm

(Dân trí) - Đây là hai thông tin gây “sửng sốt” trong tuần qua. Ngoài ra, việc Bộ Giao thông “bác” thông tin đề xuất tăng phí 49 dự án BOT, một số bình luận của chuyên gia về thương chiến Mỹ-Trung, thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp cũng gây chú ý.

Thương chiến Mỹ - Trung: Đừng biến mình thành nơi hứng "quả rụng" từ Trung Quốc

"Tôi nhắc lại, không nên khuyến khích, truyền bá tư tưởng chuẩn bị lực lượng để hứng các quả rụng từ nền kinh tế Trung Quốc. Lịch sử chỉ được viết một lần, con đường đi của mỗi dân tộc khác nhau, chúng ta không thể rập khuôn, sẽ dẫm phải vết xe đổ và là nạn nhân của chính chúng ta."

Đây là khẳng định của chuyên gia kinh tế, nhà tư vấn Nguyễn Trần Bạt xung quanh câu chuyện Việt Nam được hưởng lợi gì, phải làm gì trước diễn biến mới xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc trong xu thế thoát ly của một số doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc ra nước khác, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng, muốn biết Việt Nam phải làm gì để hút doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, cần phải giải đáp các câu hỏi, liệu có doanh nghiệp tốt rời khởi Trung Quốc hay không? Liệu Trung Quốc có để các doanh nghiệp tỷ đô rời khỏi nước này, liệu với thị trường tỷ dân, các nhà tư bản có sẵn sàng rời khởi Trung Quốc hay không?

Bộ Giao thông “bác” thông tin đề xuất tăng phí 49 dự án BOT

Sửng sốt: Doanh nghiệp 138 lần bị thanh tra; Lãi suất huy động “vọt” gần 9%/năm - 1

Trong số 52 dự án BOT đã đưa vào vận hành, khai thác có 26 dự án đang bị sụt giảm doanh thu

Vừa qua, thông tin về việc Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã đề xuất Chính phủ hai phương án tăng phí đối với các dự án BOT giao thông được đưa ra. Trong đó, phương án 1 là tăng phí đối với 49 dự án trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021. Phương án 2, giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí 49 dự án theo hợp đồng từ năm 2022.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: “Bộ GTVT chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng phí đối với các dự án BOT như một số phương tiện truyền thông phản ánh mà đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông.”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng giải pháp rồi mới báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý cụ thể. Đây cũng là việc làm thường xuyên đối với các hợp đồng BOT mà Bộ GTVT đã ký.

Bộ GTVT thông tin thêm, năm 2018, trong số 52 dự án BOT đã đưa vào vận hành, khai thác có 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu. Nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT chủ yếu là do sụt giảm lưu lượng xe, nhiều trạm BOT phải giảm mức phí chung các loại xe, miễn giảm giá vé cho người dân xung quanh trạm thu phí và chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng BOT.

"Ông lớn" Nhà nước thua lỗ: "Giống như nhà có con nghiện, bao nhiêu tiền cũng hết!"

"Cổ phần hóa, thoái vốn cần phải làm mạnh. Với doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ như gia đình có con nghiện, bao nhiêu tiền cũng hết, không thể chữa được, thà chịu đau, bỏ phăng nó đi".

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) nêu quan điểm tại Hội thảo Kinh tế Nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước do Viện CIEM tổ chức sáng nay (12/6) tại Hà Nội.

Theo ông Bá, trong suốt từ thời đổi mới đến nay, chúng ta đã tốn rất nhiều thời gian để đổi mới khu vực này, nhưng đến giờ lúc này chúng ta thấy các giải pháp không hiệu quả, nghiên cứu vô ích.

Ông ví von: "Doanh nghiệp Nhà nước hiện có quá nhiều báo cáo, nguyên cứu tài liệu xếp chồng hàng chục mét".

Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng: Hiện cứ loay hoay mãi chuyện doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo hay không là chủ đạo mà quên đi thực tế, họ làm không hiệu quả thì làm sao là nhân tố chủ đạo được? Chúng ta không nên mắc kẹt vào tư duy mệnh lệnh hành chính; không làm được thì không thể bắt phải làm. Một người chỉ vác được 50kg, thì sao bắt họ vác 100 kg?

Doanh nghiệp kêu trời vì bị thanh tra 138 lần, uất nghẹn kéo dài

Sửng sốt: Doanh nghiệp 138 lần bị thanh tra; Lãi suất huy động “vọt” gần 9%/năm - 2

Dự án Khu dân cư Miếu Nổi là một trong những dự án đầu tư của Công ty Phi Long tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Thanh tra TPHCM đã làm việc với ông Lê Văn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Phi Long ( Công ty Phi Long ) để làm rõ phản ánh của doanh nghiệp này về việc bị thanh tra, kiểm tra 138 lần.

Thanh tra thành phố đã yêu cầu đại diện Công ty Phi Long cung cấp, giải thích các thông tin, tài liệu liên quan đến 138 cuộc thanh tra, kiểm tra các dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Trong đơn gửi lãnh đạo UBND TPHCM và Thanh tra thành phố, ông Lê Văn Anh Tuấn nêu rõ, các dự án của doanh nghiệp này tại quận 2, quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh liên tục bị thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, ông Trần Hải Phong, Chủ tịch UBND phường Bình An (quận 2) đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công ty 26 lần, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Nam TPHCM thanh kiểm tra 44 lần, UBND xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) thanh kiểm tra 28 lần,  Văn phòng đăng ký đất đai quận 2 cho thanh kiểm tra 15 lần, UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) kiểm tra công ty 13 lần…

Mặc dù bị thanh kiểm tra “triền miên” nhưng theo đại diện Công ty Phi Long thì những khó khăn, ách tắc của doanh nghiệp đều không được giải quyết.

Buộc ngừng thi công Dự án nhà máy vải triệu đô của doanh nghiệp Trung Quốc

Dự án nhà máy vải không dệt của Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam đầu tư tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà có quy mô 27 ha, tổng vốn đầu tư 260 triệu USD bị buộc tạm ngừng thi công vì chưa đủ giấy phép.

Tại buổi làm việc trực tiếp với chủ đầu tư dự án và doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp là Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam ngày 9/4/2019, UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị dừng ngay mọi hoạt động xây dựng không phép, nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày 2/5/2019, chủ đầu tư dự án có văn bản báo cáo đã dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình thuộc dự án.

Lãi suất huy động VND "vọt" lên gần 9%/năm

Sửng sốt: Doanh nghiệp 138 lần bị thanh tra; Lãi suất huy động “vọt” gần 9%/năm - 3

Lãi suất huy động VND "vọt" lên gần 9%/năm

Khảo sát thị trường ngân hàng hiện có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động VND lãi suất hiện nay được chia làm 3 nhóm:

Nhóm ngân hàng thứ nhất chiếm hơn một nửa tổng nguồn huy động vốn từ thị trường (đó là 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) và Techcombank (ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân) có mức lãi suất huy động cao nhất chỉ quanh mức 7%/năm.

Ở nhóm thứ 2 là các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, có hệ thống mạng lưới giao dịch rộng rãi như Sacombank, HDBank, ACB, MB hoặc các ngân hàng nhỏ hiếm khi gia nhập cuộc đua lãi suất cao như Kienlongbank, MSB và nhóm "0 đồng" là OceanBank, GPBank, CBBank thì lãi suất cao nhất cũng chỉ tới 7,7 - 7,8%/năm.

Nhóm thứ ba là các ngân hàng lớn thường xuất hiện trong cuộc đua lãi suất cao như Eximbank, VPBank, SCB, Nam A Bank, VIB, TPBank... và các ngân hàng nhỏ khác có lãi suất cao hơn cả, hiện cao nhất phổ biến trên 8%/năm, có trường hợp tới 8,7%/năm .

Tuy nhiên, đối với nhóm có mức lãi suất huy động VND cao nhất thị trường hiện nay, để được hưởng mức lãi suất huy động VND gần 9%/năm người gửi tiền phải đáp ứng được điều kiện không dễ dàng, tức là phải gửi từ 24-36 tháng hoặc với số tiền gửi rất lớn, tới 500 tỷ đồng.

Trong đó, VIB chỉ áp dụng đối với khách hàng gửi kì hạn 12 tháng trở lên với số tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng. TPBank chỉ áp dụng lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi trên 100 tỉ đồng, kì hạn 24 tháng và cam kết không rút trước hạn.

Mai Chi (tổng hợp)