"Ông lớn" Nhà nước thua lỗ: "Giống như nhà có con nghiện, bao nhiêu tiền cũng hết!"
(Dân trí) - "Cổ phần hóa, thoái vốn cần phải làm mạnh. Với doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ như gia đình có con nghiện, bao nhiêu tiền cũng hết, không thể chữa được, thà chịu đau, bỏ phăng nó đi".
Đây là quan điểm của TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tại Hội thảo Kinh tế Nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước do Viện CIEM tổ chức sáng nay (12/6) tại Hà Nội.
Theo ông Bá, trong suốt từ thời đổi mới đến nay, chúng ta đã tốn rất nhiều thời gian để đổi mới khu vực này, nhưng đến giờ lúc này chúng ta thấy các giải pháp không hiệu quả, nghiên cứu vô ích.
Ông này ví von: "Doanh nghiệp Nhà nước hiện có quá nhiều báo cáo, nguyên cứu tài liệu xếp chồng hàng chục mét".
Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng: Hiện cứ loay hoay mãi chuyện doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo hay không là chủ đạo mà quên đi thực tế, họ làm không hiệu quả thì làm sao là nhân tố chủ đạo được?
"Từ xưa nay thế giới đã xác định, doanh nghiệp Nhà nước ở đâu cũng có, nhưng không hiệu quả bằng doanh nghiệp tư nhân. Suốt mấy chục năm rồi chúng ta loay hoay để nó hiệu quả nhưng không được", ông Bá nói.
Theo ông Bá, hiện các loại tài sản, sở hữu đất đai, nhà xưởng đều được tính vào tài sản Nhà nước. Các giá trị này đều được tính vào vai trò của doanh nghiệp Nhà nước đối với nền kinh tế. Điều này khiến chúng ta nhầm tưởng tai hại.
Ông Bá khẳng khái nói: "Cần tách biệt tài sản doanh nghiệp Nhà nước với vai trò của nó, bởi nhiều tài sản của họ được hình thành do được ban phát nguồn lực, xin cho chứ không phải do năng lực, do làm ăn mà mua được".
"Nếu cách tính vai trò của loại hình kinh tế Nhà nước được áp dụng lên kinh tế tư nhân, tính nhà xưởng, đất đai vào tài sản vào vai trò của họ thì lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp Nhà nước, số vốn không biết bao tỷ đồng", ông Bá nói.
Nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng: Trong kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước được xem chủ đạo song lại kém hiệu quả. Vậy mà xác định nó là chủ đạo thì sao nó làm được. Chúng ta không nên mắc kẹt vào tư duy mệnh lệnh hành chính; không làm được thì không thể bắt phải làm. Một người chỉ vác được 50kg, thì sao bắt họ vác 100 kg?
Ông Bá nhớ lại Nghị quyết 50 của Đảng chỉ rõ: Doanh nghiệp Nhà nước chỉ hoạt động ở lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên, đến nay, tôi thấy họ dàn trải tất cả và đáng buồn là không hiệu quả.
"Tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp Nhà nước đang rất kém, một thời toàn vụ trưởng, cán bộ chủ chốt ở các Bộ làm Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn Nhà nước. Mang một anh quản lý hành chính, một anh nghiên cứu đi làm doanh nghiệp thì "chết rồi" không thể làm được" cố vấn của CIEM cho biết.
Theo ông Lê Xuân Bá, nền kinh tế Việt Nam hội nhập nhưng chính chúng ta chậm thay đổi và khó hội nhập với thế giới.
"Năm 1992, tôi sang Thái Lan, họ nói doanh nghiệp Nhà nước của họ cũng có nhưng kém hiệu quả. Tuy nhiên, khu vực này chỉ chiếm 10 - 15% GDP thôi, nên sự yếu kém của họ tác động kinh tế đất nước không nhiều. Còn tại Việt Nam, quy mô, tài sản, nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước quá lớn, nên có nhiều doanh nghiệp ốm yếu, hắt hơi xổ mũi nền kinh tế rất mệt mỏi", Chuyên gia Lê Xuân Bá phân tích.
Theo ông này, quá trình thoái vốn là yêu cầu bắt buộc nhưng có nhiều nơi làm không tốt hoặc không làm, nhưng đến nay không ai bị cách chức, bị đuổi khỏi vị trí lãnh đạo. Chúng ta đặt ra chế tài, nhưng không thực hiện chế tài.
Theo ông này, cổ phần hóa, thoái vốn gặp khó vì các xác định tài sản Nhà nước, nhiều người sợ làm sai, làm mất vốn của Nhà nước nên không làm, làm chậm.
"Làm quyết liệt thì sợ sai, sai thì sợ chết', ông này nói.
Theo ông Lê Xuân Bá, muốn cổ phần hóa, thoái vốn nhanh cần phải làm mạnh. Cổ phần hóa, thoái vốn cần phải làm mạnh. Với doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ như gia đình có con nghiện, bao nhiêu tiền cũng hết, không thể chữa được, thà chịu đau, bỏ phăng nó đi. Theo quan điểm của tôi là thà một lần đau".
Theo ông Bá, đến giờ phút này, Việt Nam vẫn không tách bạch được rạch ròi sở hữu nhà nước và quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước.
"Về lý thuyết thì có nhưng trên thực tế không thể tách bạch được. Nếu chúng ta không thoát ra được, mấy chục năm tới, nói tái nói hồi thì vẫn không giải quyết được, khu vực này vẫn kém", TS Bá kết luận.
Nguyễn Tuyền