Bộ Giao thông “bác” thông tin đề xuất tăng phí 49 dự án BOT

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT chưa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng phí đối với các dự án BOT. Hiện Bộ Giao thông đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông.

Vừa qua, thông tin về việc Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã đề xuất Chính phủ hai phương án tăng phí đối với các dự án BOT giao thông được đưa ra. Trong đó, phương án 1 là tăng phí đối với 49 dự án trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021. Phương án 2, giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí 49 dự án theo hợp đồng từ năm 2022.

Bộ Giao thông “bác” thông tin đề xuất tăng phí 49 dự án BOT - 1
Trong số 52 dự án BOT đã đưa vào vận hành, khai thác có 26 dự án đang bị sụt giảm doanh thu

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: “Bộ GTVT chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng phí đối với các dự án BOT như một số phương tiện truyền thông phản ánh mà đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông.”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng giải pháp rồi mới báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý cụ thể. Đây cũng là việc làm thường xuyên đối với các hợp đồng BOT mà Bộ GTVT đã ký.

Bộ GTVT thông tin thêm, năm 2018, trong số 52 dự án BOT đã đưa vào vận hành, khai thác có 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu. Nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT chủ yếu là do sụt giảm lưu lượng xe, nhiều trạm BOT phải giảm mức phí chung các loại xe, miễn giảm giá vé cho người dân xung quanh trạm thu phí và chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng BOT.

Liên quan tới việc giải quyết những bất cập tại các dự án BOT sụt giảm doanh thu, ngày 13/11/2018, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 430, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông. Đối với các dự án có sự sụt giảm doanh thu so với tài chính ban đầu, Thủ tướng cho rằng, đây là các dự án cần phải đánh giá kỹ, toàn diện các nguyên nhân, từ đó nêu rõ các giải pháp phù hợp, khả thi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xem xét kỹ từng trường hợp, thống nhất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án này, nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh cũng như quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người dân.

Theo quy định về hợp đồng dự án BOT, mức thu phí của mỗi dự án phù hợp với khung mức phí quy định tại Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính với lộ trình tăng phí dự kiến 3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng từ 12-18%. Mức phí tại các trạm đều được sự đồng thuận của địa phương và được Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí riêng cho từng trạm trước khi thu phí.

Mặc dù vậy, thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá đối với nhóm xe loại 4 tại 39 dự án BOT.

Châu Như Quỳnh