Sữa ngoại tăng giá “lách” Thông tư 122
(Dân trí) - Từ 1/10, các loại sữa bột nhập khẩu cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải đăng ký và kê khai giá với cơ quan quản lý giá. “Lách” quy chế mới, một số hãng sữa nhập ngoại đã thông báo tăng giá thêm 10% kể từ đầu tháng 9 này.
Ủng hộ sữa nội cũng là cách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Giá “chạy” trước thông tư
Nhằm hạn chế tình trạng các hãng sữa bột nhập ngoại tăng giá một các tùy tiện, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 122/2010, thay thế Thông tư 104/2008, quy định tất cả các mặt hàng sữa bột nhập khẩu cho trẻ em dưới 6 tuổi phải đăng ký và kê khai giá với cơ quan quản lý giá. Và trong khi chờ thông tư mới có hiệu lực, một số hãng sữa ngoại lại điều chỉnh tăng giá.
Từ ngày 1/9, hãng sữa Abbott điều chỉnh nhãn hiệu Ensure Gold tăng thêm 10%, hộp 900g từ 430.000 đồng/hộp lên 471.000 đồng và hộp 400g từ 218.000 đồng lên 230.000 đồng. Và từ hôm qua 7/9, nhãn hiệu sữa Pediasure của công ty này được điều chỉnh tăng thêm 9%. Cụ thể, giá bán lẻ sữa Pediasure của Abbott tăng lên 429.000 đồng/hộp 900g, 729.000 đồng/hộp 1,8 kg.
Cũng từ ngày 1/9, sữa Anmum sản xuất từ New Zealand tăng 10%, từ 125.000 đồng tăng lên 134.000 đồng/hộp 400g và từ 225.000 đồng lên 240.000 đồng/hộp 900g.
Ghi nhận từ các đại lý sữa tại Hà Nội, hầu hết các mặt hàng sữa nhập khẩu đã điều chỉnh tăng giá từ tháng 8. Điển hình là Abbott điều chỉnh tăng 7% đối với 3 nhãn sữa gồm Similac Eye-Q Plus, Similac Gain Eye-Q Plus và Gain Plus Eye-Q Plus. Trước đó, vào tháng 7, 17 nhãn sữa bột của hãng Dumex đã tăng giá thêm 10%. Sữa XO nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng điều chỉnh tăng 2,5% và sữa nước, sữa đặc nhãn hiệu Cô gái Hà Lan tăng 7%.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính chung trong 3 năm qua, thị trường sữa bột tại Việt Nam đã có tất cả 16 lần tăng giá và lý do tăng giá mà các hãng đưa ra là biến động của tỷ giá ngoại tệ và nguyên liệu đầu vào.
Chị Nguyễn Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Lần nào tăng giá sữa tôi cũng nghe các hãng vin vào lý do tỷ giá tăng, điều này thật là phi lý. Điều mà người tiêu dùng cần được biết ở đây chính là những thống kê cụ thể về mặt con số để chúng tôi có thể đối chiếu, so sánh”.
Trao đổi với báo giới, ông Đỗ Gia Phan, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng: Giá sữa tại thị trường Việt Nam hiện nay tăng rất nhiều so với mức tăng tỷ giá. Việc cứ lấy lý do tỷ giá tăng là hết sức vô lý, nhưng rõ ràng là hiện nay chúng ta chưa có nghiên cứu nào để xác định rõ ràng những yếu tố mà các hãng sữa lấy lý do để tăng giá đã chính xác hay chưa?
Theo quy định hiện nay, các hãng sữa nhập khẩu tại Việt Nam không có trách nhiệm phải giải trình các yếu tố cấu thành giá bán. Công thức tính giá bán của nhiều hãng sữa theo một điều tra của Bộ Tài chính chỉ là lấy giá nhập khẩu cộng thêm 40 - 45% lãi gộp. Còn theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội năm 2009 cho thấy, mức chênh lệch giữa giá sữa bột nhập khẩu theo tờ khai hải quan và giá niêm yết của một số loại sữa bột lên tới 220 - 285%.
Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình
Theo các chuyên gia, Thông tư 122 của Bộ Tài chính về quản lý giá sữa ban hành trong bối cảnh các hãng sữa nhập khẩu liên tiếp tăng giá bán là hết sức cần thiết. Nhưng giới chuyên gia cũng lo ngại “giới hạn” của thông tư này là chỉ có thể bắt các doanh nghiệp niêm yết, kê khai cách tính toán và cấu thành giá tại thị trường Việt Nam, chứ không thể kiểm soát được giá bán của các hãng sữa từ nước ngoài.
Chị Thanh Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi luôn đứng ngoài cuộc trong những đợt tăng giá của các nhãn hiệu sữa nhập khẩu. Bởi tôi thấy các loại sữa nội hiện nay cũng tốt không kém sữa ngoại và giá bình ổn hơn rất nhiều”. Chị Lan cho biết thêm, dù không ồ ạt tăng như giá sữa ngoại, sữa nội đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi phong trào tăng giá mà đội thêm khoảng 3 - 5% trên mỗi sản phẩm.
Ông bố của 2 cậu con trai 5 tuổi và 3 tuổi kêu gọi: “Đã đến lúc người tiêu dùng Việt Nam tự biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bằng cách nói không với những hãng sữa tăng giá bất hợp lý. Chúng ta hãy cùng đồng lòng tẩy chay họ, như đã từng tẩy chay sản phẩm của Công ty Vedan - thủ phạm chính gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải…”.
Thu Hà - An Hạ