Công bố các doanh nghiệp sữa đăng ký giá trước 1/10

(Dân trí) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đang triển khai lấy dữ liệu phục vụ cho việc công bố tên các đơn vị đăng ký giá sữa. Trước ngày 1/10 sẽ công bố tên các doanh nghiệp đăng ký giá tại Bộ.

Công bố các doanh nghiệp sữa đăng ký giá trước 1/10  - 1
Người tiêu dùng hy vọng giá sữa thời gian tới sẽ hợp lý hơn (ảnh minh họa).
 
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, công việc tiến hành rà soát các doanh nghiệp (DN) và đại lý sữa hiện nay mà Bộ Tài chính đang triển khai nhằm lấy dữ liệu phục vụ cho việc công bố tên các đơn vị đăng ký giá tại Bộ. Việc công bố tên các DN sữa này sẽ được thực hiện trước ngày 1/10 - ngày Thông tư 122 có hiệu lực.
 
“Sau khi công bố tên các DN sữa đăng ký giá tại Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ tiến hành việc công bố tên tại các địa phương trong cả nước. Và quan trọng hơn cả, DN phải tự rà soát, đăng ký giá với Bộ. Trong quá trình kiểm tra, DN nào vi phạm sẽ bị phạt tối đa tới 40 triệu đồng theo Pháp lệnh xử phạt hành chính”, ông Tuấn nhấn mạnh.
 
Ông Tuấn cũng cho biết, công việc tiến hành rà soát và đăng ký giá của các DN sữa không dễ. Bởi theo tính toán sơ bộ, chỉ tại thị trường TPHCM cũng đã có khoảng 500 DN và đại lý bán lẻ mặt hàng này.
 
Cũng theo ông Tuấn, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 122, cho đến hôm qua, duy nhất hãng sữa Mead Johnson Việt Nam chính thức gửi cam kết tới Bộ sẽ không tăng giá từ nay cho hết năm 2010.
 
“Điều này cho thấy, việc các hãng sữa đua nhau tăng giá trong thời gian qua là bất hợp lý. Các DN đưa ra hai lý do là giá nguyên liệu tăng và tỷ giá tăng. Tuy nhiên, theo như Bộ Công Thương đã công bố, giá nguyên liệu và giá sữa ở nước ngoài không tăng; thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ở mức 2% thôi, trong khi giá sữa lại tăng từ 7% đến 10% là chưa hợp lý”, ông Tuấn nói.
 
Nói rõ hơn về Thông tư 122, vị đại diện này cho hay: Vào thời điểm xây dựng dự thảo Thông tư 122, Cục Quản lý giá và lãnh đạo Bộ Tài chính đã rất thận trọng và có mời các vị đại sứ tại những nước có các hãng sữa nhập khẩu vào Việt Nam lấy ý kiến về dự thảo.
 
Đồng thời, Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến của đông đảo người dân thông qua website Bộ Tài chính trong 60 ngày; lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố. Qua đó, đại bộ phận người dân và các bộ, ngành, địa phương đều tình, ủng hộ theo quan điểm của Bộ Tài chính.
 
“Tuy nhiên, có một số hãng sữa chưa đồng ý về việc đăng ký giá và chắc hẳn, có kiến nghị lên các đại sứ của họ nhưng là từ trước khi ban hành Thông tư 122. Do đó, trong quá trình xây dựng dự thảo, các đại sứ này có thư góp ý thôi chứ chưa phải là phản đối.
 
Trong đó, các đại sứ cho rằng, nếu thực hiện theo Thông tư này sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN, rồi ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh… Với vai trò là cơ quan chuyên môn về giá, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ từ ý kiến tham gia đóng góp của người dân, của các vị đại sứ, của các hãng sữa.
 
Chúng tôi cũng rà soát lại tất cả các quy định liên quan đến vấn đề Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt từ điều 96 - 103 mà Việt Nam cam kết khi gia nhập và nhận thấy, không có một quy định nào trong dự thảo Thông tư 122 vi phạm các quy định liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO. Do vậy, cơ quan quản lý giá đã tiến hành trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 122 như hiện nay”, ông Tuấn khẳng định.
 

Kiểm tra thông quan mặt hàng sữa tăng 10%

Bắt đầu từ hôm nay 25/9, Tổng cục Hải quan có công văn gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đề nghị các đơn vị này đặc biệt lưu ý kiểm tra giá sữa nhập khẩu.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kiểm tra thông tin, nếu giá sữa biến động hơn 10% so với mặt hàng giống hệt (cùng khai báo) thì phải kiểm tra sau thông quan với mặt hàng đó.

Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu việc kiểm tra sau thông quan phải làm rõ nghi vấn về giá sữa khai báo bất thường trước khi vào nhập khẩu Việt Nam.

 
Thu Hà - An Hạ