Rà soát các cam kết WTO để quản lý giá sữa

Bộ Tài chính đã đề nghị các đại sứ quán, doanh nghiệp nêu rõ việc áp dụng thông tư mới sẽ vi phạm những quy định cụ thể nào của WTO...

Rà soát các cam kết WTO để quản lý giá sữa - 1
Người tiêu dùng rất quan tâm mỗi khi giá sữa tăng cao. Ảnh minh họa: HTD
 
Năm đại sứ nước ngoài là Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand, Liên minh châu Âu tại Việt Nam gửi thư tới bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đề nghị hoãn thực thi Thông tư số 122 về quản lý giá.
 
Theo các chuyên gia, phản ứng trên của các nước chủ yếu nhằm bảo vệ mặt hàng sữa của mình ở thị trường Việt Nam trước quy định từ ngày 1/10, các loại sữa bột nhập khẩu cho trẻ em dưới sáu tuổi sẽ phải đăng ký và kê khai giá với cơ quan quản lý.
 
Bịt lỗ hổng giá sữa
 
Để hạn chế tình trạng “thu nhập đầu người thấp nhưng giá sữa lại đắt đỏ nhất thế giới”, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 122 về quản lý giá. Theo đó, từ ngày 1/10, tất cả nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sữa đều phải đăng ký và kê khai giá. Khi đăng ký giá, các DN phải thuyết minh về sự cần thiết phải thay đổi giá.
 
Đồng thời, so sánh các yếu tố hình thành giá, mức giá của phương án giá đề nghị với các yếu tố hình thành giá, mức giá của phương án giá được duyệt lần trước liền kề; cũng như mức giá mặt hàng ở thị trường trong nước và thị trường của một số nước trong khu vực.
 
Ngoài ra, tính toán mức tác động đến đời sống, xã hội và thu nhập của người tiêu dùng. Trên cơ sở thuyết minh đó, cơ quan quản lý giá địa phương sẽ kiểm soát yếu tố giá của các DN.
 
Cũng theo thông tư trên, nếu DN, đơn vị nào thực hiện giá bán bất hợp lý sẽ bị đình chỉ giá bán đang áp dụng, yêu cầu DN phải bán đúng mức giá hợp lý theo quy chế tính giá. Trường hợp DN cố tình vi phạm, cơ quan quản lý giá sẽ thu hồi phần chênh lệch bất hợp lý để vào ngân sách nhà nước. Thậm chí các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cơ quan quản lý sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh.
 
Bộ Tài chính cho rằng thông tư ra đời có hiệu lực sẽ buộc các hãng sữa chứng minh tính hợp lý của giá bán trên thị trường, hạn chế được tình trạng tăng giá bất hợp lý.
 
Thực tế cho thấy từ lâu giá sữa đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc nhiều trong dư luận. Vì thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay bị xếp vào dạng thấp nhưng giá sữa lại đắt đỏ nhất thế giới.
 
Hơn thế nữa, từ đầu năm đến nay, mặt hàng sữa đã bốn lần tăng giá. Có những thời điểm giá sữa trên thị trường thế giới giảm nhưng trong nước vẫn cứ tăng vù vù khiến cho người tiêu dùng méo mặt. Tuy nhiên, do chúng ta thiếu cơ chế quản lý nên hầu như không thể ngăn được tình trạng giá sữa tăng vô tội vạ.
 
Đề nghị hoãn thi hành thông tư: Liệu có hợp lý?
 
Trước viễn cảnh Thông tư 122 chuẩn bị được ban hành và sẽ có những tác động nhất định đến giá cả các mặt hàng, trong đó có mặt hàng sữa, mới đây đại sứ của các nước nêu trên đã gửi thư tới bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đề nghị hoãn thực thi Thông tư số 122 về quản lý giá.
 
Theo các đại sứ, việc thực thi cơ chế giá mới theo thông tư khiến Việt Nam đi chệch khỏi định hướng cơ chế thị trường, làm gia tăng quan ngại về sự tuân thủ các cam kết WTO của Việt Nam.
 
Đồng thời, sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư mới muốn vào Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, làm gia tăng gánh nặng về hành chính và chi phí cho các công ty (nước ngoài) ở Việt Nam. Ngoài ra, để đạt mục tiêu chống lạm phát cần thực hiện các giải pháp khác.
 
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho rằng phản ứng của các vị đại sứ trên cũng là điều dễ hiểu. Vì hầu hết mặt hàng sữa của những nước trên đang có rất nhiều ở Việt Nam nên cần phải bảo vệ chất lượng của mình chứ.
 
Ông Phan cho rằng việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 122 đã phần nào thể hiện sự quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tìm ra biện pháp bịt lỗ hổng mà bấy lâu nay các DN đã khiến cho người dân phải gồng mình chống đỡ bởi sự thay đổi của giá cả quá nhiều.
 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính: Bộ vẫn chưa nhận được phản hồi

Sau khi nhận được ý kiến nêu trên, Bộ Tài chính đã đề nghị các đại sứ quán, DN nêu rõ việc áp dụng thông tư mới sẽ nảy sinh những vấn đề gì, vi phạm những quy định cụ thể nào của WTO...

Tuy nhiên, tính đến 10/9, Bộ vẫn chưa nhận được thêm phản hồi nào của các bên. Tuy nhiên, theo ông Phan, đến 1-10 tới thông tư sẽ có hiệu lực. Do đó, để cẩn trọng Bộ Tài chính cần rà soát lại những nội dung đã ký kết trong quá trình gia nhập WTO để xem có bị vi phạm vào cam kết không.

 
Theo Nhóm PV
Báo PL TPHCM