Sự thật các ông lớn rút khỏi cao tốc 12 nghìn tỷ đồng

Điều gì khiến đã khiến 2 liên danh, doanh nghiệp xin thôi không đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trong một thời gian ngắn.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư là 11.765 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10/2015, tiến độ dự kiến hoàn thành trước 31/12/2018. Dù đã đi được hai phần ba quãng đường nhưng tiến độ triển khai dự án vẫn gần như dậm chân tại chỗ.

Ngày 17/3, Liên danh nhà đầu tư do UDIC đứng đầu đã rút khỏi dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Trước đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) cũng xin rút khỏi dự án nói trên.


Các ông lớn đồng loạt rút khỏi dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Các ông lớn đồng loạt rút khỏi dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Khó có hiệu quả

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề trên, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, doanh nghiệp sẽ nhìn vào xu thế phát triển của tuyến đường này như thế nào, từ đó người ta sẽ thấy được triển vọng khi đầu tư vào tuyến đường này là gì.

''Nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam và Trung Quốc có khả năng phát triển mạnh về đường sắt và đường biển. Hai tuyến này nằm trong vận tải khối lượng lớn, cho nên chi phí vận tải thấp hơn.

Tập trung phát triển mạnh vận tải ô tô trong khi tải trọng bị giới hạn ở mức nhất định, do đó chi phí vận tải rất cao. Hơn nữa, về mặt chiến lược trong tương lai, lưu lượng đi qua tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn không cao.

Trong tương lai, những mặt hàng có tỷ trọng lớn đi từ phía Nam ra sẽ chủ yếu đi bằng đường sắt. Điều này sẽ giảm bớt đi lưu lượng của những tuyến cao tốc đang được xây dựng hướng về biên giới Trung Quốc'', ông Thủy phân tích.

Theo vị chuyên gia, giao thông vận tải trong khu vực này đang có sự trùng lặp. Hà Nội - Lạng Sơn cũng có đường sắt, Hà Nội - Lào Cai cũng có đường sắt. Khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai khánh thành, ngay lập tức khiến đường sắt giảm 30 - 40% sản lượng.

Rõ ràng là đầu tư của chúng ta lãng phí, đổ tiền vào đầu tư cao tốc với tỷ giá trên dưới 10 triệu USD/km trong khi tuyến đường sắt được xây dựng từ lâu nhưng không khai thác được.

''Tính hiệu quả của tuyến đường là một nguyên nhân khiến các nhà đầu tư rút khỏi dự án. Như Quốc lộ 1 hay đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ thì chẳng thấy ai rút cả. Bởi lẽ, lượng xe mỗi ngày đi qua tuyến đường này lên tới 20 - 30 ngàn lượt/ngày.

Nhìn lại tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, giới chuyên gia và các nhà khoa học phải đặt ra câu hỏi, một khi hiệu quả không rõ ràng, vì sao vẫn xây dựng nhiều đường cao tốc như vậy?'', TS. Thủy đặt vấn đề.

Tay không bắt giặc?

Vấn đề thứ hai mà vị chuyên gia giao thông đề cập đến chính là việc các nhà đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nói cách khác là tay không bắt giặc. Do đó, khi các tổ chức tín dụng ngừng cho vay các nhà đầu tư BOT sẽ không có đủ vốn để tiếp tục dự án.

''Vừa qua, nhiều chuyên gia giao thông đã phát biểu rất gay gắt về việc xây BOT. Nhiều nhà đầu tư không dùng tiền vốn của họ mà vay ngân hàng để thực hiện dự án, số tiền lãi ngân hàng bằng nhiều cách sẽ được tính cả vào tổng vốn đầu tư, kéo dài thời gian thu phí. Ngân hàng là tiền của nhà nước, của người dân, cuối cùng chính người dân phải chịu thiệt.

Có thể sự phản hồi mạnh mẽ từ giới chuyên gia, các nhà khoa học cho nên các ngân hàng đã hạn chế cho vay một cách vô tội vạ đối với những nhà đầu tư BOT. Điều này dẫn đến việc những nhà đầu tư này không có vốn để tiếp tục thực hiện dự án.

Mặc khác, khi cho các nhà đầu tư không đủ năng lực vay thì ngân hàng cũng phải đối mặt với khá nhiều rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và nhiều rủi ro khác. Điều này sẽ khiến các ngân hàng tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả các gói tín dụng trước khi đưa ra quyết định. Những công ty không đủ sức để tiếp tục theo đuổi dự án thì sẽ phải tự động rút'', ông Thủy phân tích.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, trước việc các doanh nghiệp đồng loạt rút khỏi dự án như vậy thì rõ ràng nhà nước phải có sự điều chỉnh lại để đảm bảo tiến độ xây dựng.

Có thể đưa thêm các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư hoặc có những chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Về việc này, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT sẽ phải điều chỉnh để sắp xếp lại lực lượng để tiếp tục thực hiện dự án.

Không chỉ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, rất nhiều dự án giao thông khác đang gặp khó khăn về tài chính. Điều này nói lên trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc lựa chọn nhà đầu tư, xử lý nhà đầu tư không đủ năng lực.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đã đặt nghi vấn rằng, liệu trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho dự án có tổ chức đấu thầu không hay chỉ định thầu? Đi sâu phân tích về vấn đề này, TS. Thủy cho rằng:

''Có quá nhiều vấn đề trong việc đấu thầu đã được báo chí phản ánh. Theo tôi chỉ trong trường hợp đặc biệt mới chỉ định thầu, không nên lạm dụng hình thức này. Bởi rõ ràng việc chỉ định thầu sẽ dẫn đến tình trạng móc ngoặc, lợi ích nhóm, không công bằng, thiếu khách quan.

Do đó, đối với những dự án lên tới hàng chục ngàn tỷ như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn phải đấu thầu thực chất, công khai, minh bạch, có những tiêu chí rõ ràng, tiêu chí cốt lõi.

Từ đó tìm được những nhà thầu có năng lực về tài chính, vừa có tiềm lực về công nghệ giúp đảm hiệu quả, tiến độ chất lượng của công trình, vừa không làm tổn thất tiền của của nhân dân''.

Theo Hoàng Hải
Đất Việt