Nhà đầu tư “giương cờ trắng” buông bỏ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

(Dân trí) - Mặc dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã 3 lần yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, nhưng nhà đầu tư thừa nhận không đủ năng lực triển khai dự án. Bằng việc đề nghị Bộ GTVT chuyển nhượng, các nhà đầu tư đã “giương cờ trắng” buông bỏ dự án này.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư là 11.765 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10/2015, tiến độ dự kiến hoàn thành trước 31/12/2018. Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2017, liên danh nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình do Công ty cổ phần đầu tư UDIC đứng đầu mới chỉ huy động được 550 tỷ đồng/1.294 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo quy định của Hợp đồng BOT.

Cùng đó, toàn bộ vốn tín dụng phục vụ cho dự án lên tới hơn 10.000 tỷ đồng hiện mới chỉ dừng ở mức cam kết chung chung, chưa dự kiến được thời điểm ký hợp đồng tín dụng, lộ trình giải ngân cho nguồn vốn này. Về tổng thể, tiến độ thực hiện dự án đã bị chậm so với kế hoạch triển khai ban đầu và khó có thể hoàn thành trong năm 2018.

Liên quan đến tình hình của dự án này, Bộ GTVT đã 3 lần gửi văn bản cảnh báo, yêu cầu Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và các đơn vị thành viên góp vốn là do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư UDIC đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc các quy định góp vốn. Theo Bộ GTVT, nhà đầu tư đã vi phạm 3 nội dung được quy định trong hợp đồng là thực hiện bảo đảm hợp đồng, huy động vốn chủ sở hữu và ký hợp đồng tín dụng.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được khởi công từ tháng 10/2015 nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa huy động được vốn, vi phạm các quy định của hợp đồng BOT
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được khởi công từ tháng 10/2015 nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa huy động được vốn, vi phạm các quy định của hợp đồng BOT

Tại buổi kiểm tra dự án Bắc Giang - Lạng Sơn mới đây, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, Bộ sẽ chấm dứt hợp đồng, kêu gọi nhà đầu tư mới.

“Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là dự án cải tạo nâng cấp con đường huyết mạch từ cửa khẩu phía Bắc đi cả nước, có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế không chỉ đối với các địa phương có dự án đi qua như Bắc Giang, Lạng Sơn. Do đó, việc khởi công gần 1 năm rồi mà đến nay vẫn chưa xong thủ tục, hợp đồng, chưa huy động đủ vốn chủ sở hữu theo quy định ... là không thể chấp nhận được” - Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Ngày 9/3 vừa qua, Liên danh Nhà đầu tư do Công ty CP Đầu tư UDIC đứng đầu đã cùng ký vào văn bản với Công ty CPXNKTH Hà Nội (Geleximco) gửi Bộ GTVT đề nghị việc chuyển nhượng dự án lại cho Geleximco thực hiện. Theo đó, Geleximco đã có cam kết thu xếp được gần 50% vốn để triển khai dự án.

Việc cùng ký vào văn bản với Geleximco gửi Bộ GTVT đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư cũ đã chính thức thừa nhận không đủ năng lực triển khai dự án, đồng nghĩa với việc “giương cờ trắng” buông bỏ dự án. Trong khi đó, nhà đầu tư mới được đề nghị chuyển nhượng dự án là Geleximco cũng mới chỉ nói sẽ thu xếp được khoảng 5.800 tỷ đồng/11.765 tỷ đồng tổng vốn đầu tư dự án, tức là chưa đến 50% vốn để triển khai dự án, điều này chưa có cơ sở chắc chắn, đặt ra quan ngại về tương lai của dự án.

Cần phải nói thêm rằng, Geleximco cũng chính là nhà đầu tư đã từng “buông tay” dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, dự án này từng khiến Bộ GTVT phải tìm phương án ứng phó và “giải cứu” tuyến cao tốc hướng tâm quan trọng này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây chỉ là một số các dự án giao thông khác đang gặp khó khăn trầm trọng về tài chính, điều này nói lên vai trò quan trọng của Bộ GTVT trong việc lựa chọn nhà đầu tư, xử lý nhà đầu tư không đủ năng lực. Sau những vi phạm kéo dài của nhà đầu tư nhưng Bộ GTVT vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Châu Như Quỳnh