Sự ma mãnh của Abbott khi ghi nhãn sữa kỳ thị

Với chiêu ghi dòng chữ "Không bán tại Việt Nam và Mexico" của sữa nước Ensure (Abbott, Mỹ), các nhà quản lý của Việt Nam lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Cuộc họp của Bộ Y tế hôm 19/1 về vụ việc này vẫn chưa tìm ra được biện pháp xử lý cụ thể nào.

Tiền lệ xấu, cạnh tranh không lành mạnh

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Sau "cảnh báo" của Ban chỉ đạo 389 về dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh đối với sữa nước Ensure, hôm 19/1, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp kín với các bộ, ngành liên quan làm rõ hiện tượng này.

Chia sẻ sau cuộc họp, một đại diện Bộ Công Thương lo ngại: "Nếu không xử lý rõ ràng, vụ việc này sẽ tạo tiền lệ xấu cho nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực khác bắt chước, gây thiệt hại tới người tiêu dùng".

Trước đó, theo phản ánh của Ban chỉ đạo 389, kể từ năm 2013, hãng sữa Abbott Laboratories của Mỹ đã ghi thêm dòng chữ "Not to be sold in Vietnam or Mexico" - tạm dịch "Không bán tại Việt Nam hay Mexico" - trên sản phẩm sữa Ensure Nutrition Shake. Đồng thời, sữa nước tương tự là Ensure Gold Vigor 237ml thì vừa không có dòng chữ trên, vừa nêu rõ nội dung do công ty Dinh dưỡng 3A phân phối tại Việt Nam.

Sự ma mãnh của Abbott khi ghi nhãn sữa kỳ thị

Sữa nước Ensure với kiểu ghi nhãn "Not to be sold in Vietnam or Mexico" - gây thiệt hại cho người tiêu dùng

Nhờ đó, thị phần của Công ty Dinh Dưỡng 3A tăng nhanh chóng mặt. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này năm 2013 tăng tới 63%, trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Trước đây, có 50 nhà nhập khẩu nhập hợp pháp mặt hàng trên, song, khi Abbott phát minh kiểu ghi nhãn lạ lùng này, giá bán sữa do công ty này phân phối đã tăng từ 2-3 lần so với trước.

Ngược lại, một hệ luỵ không mong muốn khác là thị trường Việt Nam vẫn xuất hiện loại sữa Ensure thứ hai mà nhà sản xuất đã "cấm bán" vào Việt Nam.

Theo Ban chỉ đạo 389, một số doanh nghiệp nhập khẩu loại sữa này đã làm giả bản xác nhận sản phẩm lưu hành tự do tại Mỹ để đưa vào hồ sơ xin công bố chất lượng và lưu hành ở Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi, hải quan đã cho phép các doanh nghiệp mang hàng về tự bảo quản. Tuy nhiên, trong khi Bộ Y tế đã tỉnh táo chỉ đạo không kiểm tra chất lượng các sản phẩm có dòng chữ này thì không hiểu vì lý do gì, Bộ Công Thương lại có văn bản cho phép các doanh nghiệp tạm giải toả lô hàng sữa trên, dẫn đến việc thẩm lậu vào thị trường nội địa.

Ban chỉ đạo 389 cho biết, tình hình buôn lậu mặt hàng này ước gây thất thu ngân sách 40-50 tỷ đồng/năm.

Được biết, tại cuộc họp, đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương và nhiều ý kiến khác cũng đồng tình cho rằng, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh ở đây vì cách chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Rõ ràng ở đây có ý đồ khác của hãng sữa Abbott.

Không ít ý kiến đại diện Bộ ngành bày tỏ, nếu hãng nào cũng kinh doanh kiểu Abbott thì người tiêu dùng sẽ thiệt hại lớn. Bởi, khi có nhu cầu cao, trong khi thị trường không có cạnh tranh, nhà phân phối độc quyền và nhà sản xuất chính hãng sẽ dễ dàng bắt tay nhau tăng giá.

Lúng túng xử lý

Luật Cạnh tranh của Việt Nam có quy định cấm các nhà sản xuất, phân phối ghi nhãn hiệu gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đồng thời, cũng cấm các hành vi như lợi dụng vị trí độc quyền thị trường để thao túng về giá, gây thiệt hại tới các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Luật này cũng nghiêm cấm việc liên kết làm giá giữa các doanh nghiệp với nhau.

Các lô sữa nước Ensrue thẩm lậu trái phép vào Việt Nam bị lực lượng chức năng bắt giữ
Các lô sữa nước Ensrue thẩm lậu trái phép vào Việt Nam bị lực lượng chức năng bắt giữ

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh hay bất cứ Luật nào của Việt Nam chỉ điều chỉnh các đối tượng trong giới hạn phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Các cơ quan quản lý ở Việt Nam sẽ không có quyền xử lý việc ghi nhãn đối với loại đồ uống không thuộc Việt Nam.

Trong trường hợp này, tất cả các loại sữa nước Ensure đã có dòng chữ "không bán tại Việt Nam và Mexico" sẽ được hiểu là sản phẩm thuộc nước ngoài được nhập trái phép vào Việt Nam. Như vậy, hãng sữa Abbott của Mỹ rất dễ dàng thoái thác trách nhiệm và đổ lỗi do công ty khác làm ăn phi pháp hay do cơ quan chức năng Việt Nam buông lỏng quản lý.

Trên thực tế, Abbott cũng đã từng biện minh rằng, việc ghi nhãn như vậy chỉ đơn giản là để chống xuất lậu sang Việt Nam.

Cùng đó, công ty Dinh Dưỡng 3A cũng nghiễm nhiên đứng ngoài cuộc, cho dù, công ty này đã hưởng lợi lớn từ vụ ghi nhãn kỳ thị. Nhà phân phối này sẽ chỉ bị xử lý khi nào Bộ Công Thương tìm được dấu hiệu của việc thao túng giá cả, nhưng việc này chắc chắn là không dễ.

Bởi như Ban chỉ đạo 389 nêu, tổng kim ngạch nhập khẩu sữa này là 700 tỷ đồng. Với 300 tỷ đồng kim ngạch của Dinh Dưỡng 3A thì công ty này chỉ chiếm thị phần 42%, không phải là quá bán nên sẽ khó quy kết công ty lợi dụng vị trí độc quyền để lũng đoạn thị trường.

Gỡ nút cho vụ việc này chỉ có thể là đàm phán với Abbott Laboratories - theo Ban chỉ đạo 389. Các bộ nên đề nghị họ thay đổi cách ghi nhãn, thay đổi phương thức chống nhập lậu thông qua phối hợp với với cơ quan chức năng Việt Nam. Nếu vẫn giữ nguyên như hiện nay, Bộ Y tế sẽ không thể cấp phép về chất lượng bởi không có đơn vị nào chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra. Vụ việc này, tuy rõ ràng là cạnh tranh không lành mạnh, cũng sẽ rơi vào ách tắc.

Abbott là thương hiệu sữa của Mỹ rất quen thuộc ở Việt Nam. Năm 2014, khi sữa chuẩn bị áp giá trần, hãng này đã nghĩ ra chiêu lách luật là rút ruột, giảm trọng lượng hộp nhưng vẫn giữ nguyên giá. Khi kiểm tra, Bộ Tài chính vẫn phải thừa nhận hãng này không sai.

"Nếu không giải quyết, cơ quan quản lý sau này sẽ gặp nhiều trường hợp tương tự ở các nhãn hàng khác. Kết cục, cơ quan quản lý lại phải chạy theo doanh nghiệp", đại diện Bộ Công Thương lo ngại.

Theo Phạm Huyền
VEF
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”