Sự kiện Anh rời EU "thổi bay" 25.400 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam

(Dân trí) - Giới phân tích tài chính, chứng khoán đánh giá, những tác động của sự kiện Brexit lên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) có tính gián tiếp do lo ngại của nhà đầu tư về sự bất ổn kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu trong trung hạn. Trong ngắn hạn, việc TTCKVN náo loạn khi Anh rời EU chủ yếu là do yếu tố tâm lý.

Trong phiên giao dịch ngày 24/6, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) đã chứng kiến những thời khắc hoảng loạn của giới đầu tư, khiến hai chỉ số lao dốc mạnh khi người Anh bỏ phiếu rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) - sự kiện vốn được nhắc đến trong những ngày gần đây với cái tên "Brexit" (Britain exit).

Hai khoảng thời gian khó khăn nhất của VN-Index trong ngày hôm nay đó là từ 10 giờ đến 10 giờ 33 phút và từ 13 giờ đến 13 giờ 10 phút. Riêng trong 10 phút giao dịch đầu giờ chiều, VN-Index lao dốc mất tới 34 điểm trước khi phục hồi dần trở lại và thu hẹp biên độ giảm điểm còn 11,5 điểm tương ứng 1,82% còn 620,77 điểm.

Diễn biến VN-Index phiên 24/6 (Đồ thị: VNDirect)
Diễn biến VN-Index phiên 24/6 (Đồ thị: VNDirect)

Đóng cửa, sàn HSX có 206 mã giảm giá so với 51 mã tăng, trong khi HNX có 178 mã giảm so với 48 mã tăng giá. Chỉ số HNX-Index thậm chí còn giảm mạnh với biên độ tới 2,23%, giảm còn 83,42 điểm.

Dữ liệu trên sàn HSX cho thấy, tại thời điểm đóng cửa phiên 24/6, vốn hóa thị trường (market cap) của sàn HSX chỉ còn 1.247.310 tỷ đồng, "bốc hơi" 22.618 tỷ đồng so với phiên hôm qua. Trong khi vốn hóa thị trường của sàn HNX giảm 2.805 tỷ đồng, còn 152.886 tỷ đồng. Tổng cộng, trong phiên này, vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam "bốc hơi" 25.423 tỷ đồng.

Giới phân tích đánh giá, những tác động của Brexit lên TTCKVN có tính gián tiếp do lo ngại của nhà đầu tư về sự bất ổn kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu trong trung hạn. Trong ngắn hạn, việc TTCKVN náo loạn khi Anh rời EU chủ yếu là do yếu tố tâm lý.

Ngoài những tác động đến chỉ số chung thì theo đánh giá của Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), Brexit còn có tác động gián tiếp tới các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với khu vực EU như doanh nghiệp ngành dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản... Trong đó, sự kiện này được nhìn nhận mang đến tác động tiêu cực.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có các khoản vay, các khoản tài trợ bằng đồng EUR sẽ hưởng lợi thế nhất định trong các giao dịch từ sự kiện này. Tuy nhiên cơ cấu các loại ngoại tệ và thời gian đáo hạn của các khoản nợ sẽ góp phần tạo ra các tác động với mức độ khác nhau ở từng doanh nghiệp.

Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay đó là yếu tố thanh khoản rất tích cực. Tổng cộng đã có 6.131,6 tỷ đồng đổ vào TTCKVN, trong đó, sàn HSX là 4.809 tỷ đồng với 270 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng và HNX là 1.322 tỷ đồng với 110,6 triệu cổ phiếu giao dịch. Thanh khoản HSX trong phiên hôm nay được cho biết là đã ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2014 và thanh khoản HNX cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Một số nhà đầu tư cho rằng, dữ liệu kinh tế vĩ mô hiện nay khá ổn định. Kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp sắp công bố nhiều triển vọng khả quan, đây là những nền tảng cho sự phát triển ổn định của thị trường. Do đó, những tác động của Brexit trên thị trường chỉ mang tính ngắn hạn. Những phiên thị trường biến động giảm mạnh như phiên hôm nay được một số nhà đầu tư nhận định là thời điểm cân nhắc mua vào những mã tốt với mức giá hợp lý.

Không chỉ thị trường Việt Nam mà chứng khoán châu Âu và châu Á đề chịu tác động tiêu cực của Brexit. Hiện chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 8,82%; FTSE 100 Index giảm 4,43%; Nikkei 225 mất 7,92%; Topix Index mất 7,26%; Hang Seng Index mất 2,92%...

Bích Diệp