Du học ở Anh sẽ rẻ hơn sau Brexit?
(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế cho rằng, Brexit xảy ra sẽ khiến đồng Bảng Anh mất giá, nhiều người lại càng muốn cho con em mình đi học vì giá rẻ đi mà chất lượng giáo dục vẫn giữ nguyên.
Kết thúc cuộc trưng cầu dân ý lịch sử diễn ra ngày 23/6 (giờ địa phương), 51,89% cử tri Anh đã ủng hộ Brexit so với chỉ 48,1% cử tri ủng hộ phương án Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, sau 40 năm gắn bó, người Anh đã lựa chọn việc rời bỏ EU.
Hình ảnh của Brexit được nhiều người ví như cơn địa chấn, trận động đất đối với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu vì những tác động tức thời được đánh giá là rất lớn, thể hiện dịch chuyển dòng vốn lớn khỏi Anh, mức độ mất giá sâu của đồng Bảng Anh và phản ứng rất tiêu cực của hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới.
Ở một góc nhìn khác, chia sẻ tại tọa đàm "Việt Nam nên ứng xử thế nào với Brexit" do Bizlive tổ chức, TS.Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Đào tạo BIDV - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng: "Các bậc phụ huynh sẽ cân nhắc cho con cái của mình du học tại Anh khi Anh là một nước nổi tiếng với dịch vụ giáo dục và đồng bảng Anh mất giá".
Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, trong ngắn hạn, các đánh giá cho thấy Anh thiệt thòi hơn về vấn đề du học do tính bất ổn, và mâu thuẫn về phe phái trong nội bộ. Như người dân Anh và EU sẽ có tâm lý bất ổn. Bài toán chắc chắn chưa chọn Anh để du học do tâm lý.
"Thế giới có 120.000 du học sinh EU, riêng ở Anh có 5.000 du học sinh. Tuy nhiên, các nước khác như Pháp, Úc rất đông du học sinh vì cơ hội việc làm rất lớn. Cơ hội việc làm ở nước Anh khá khó khăn, các tập đoàn lớn di chuyển cơ sở sản xuất cắt giảm nhân lực", ông Lực nói.
Phân tích về tác động của Brexit, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, du học cũng là một câu chuyện ít được nói đến, nhưng nghe rất có lý.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI: "Khi đồng Anh mất giá, nhiều người lại càng muốn cho con em mình đi học vì giá rẻ đi mà chất lượng giáo dục vẫn giữ nguyên. Thiệt hại về thương mại ở Anh thì chưa thấy, trong khi đó, lợi ích về giáo dục đã có rồi".
Phân tích cụ thể hơn về nhận định này, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, với sự mất giá của đồng bảng Anh, du học sinh Việt Nam sẽ có lợi.
"Cùng một số tiền sẽ làm được nhiều việc hơn. Bản thân du học sinh và phụ huynh cũng không quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị. Anh là một nước có thể chế chính trị rất vững vàng", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, một điểm khác là nhiều người đi du học ở Anh muốn đi du lịch quanh châu Âu thuận tiện. Trong vài năm nữa những ưu đãi này sẽ mất đi kéo theo nhiều người sẽ nghĩ lại khi du học Anh.
"Việc có một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai sẽ không xảy ra, và thế giới buộc phải chứng kiến "cuộc ly hôn" này. Trở lại với câu chuyện của châu Âu, khi thiếu nước Anh, sẽ không có bên nào thắng cả. Thiệt hại sẽ xảy ra với cả hai bên và thiệt hại là rất lớn", ông nói thêm.
Phương Dung