Hậu Brexit: Tỷ giá USD/VND đã có những phản ứng đầu tiên

(Dân trí) - Phiên giao dịch sáng nay 27/6, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đã tăng tới 21 VND/1 USD. Đây được xem là động thái đầu tiên của cơ quan điều hành sau sự kiện Brexit.

Sáng nay 27/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố giá tỷ giá trung tâm ở mức 21.866 VND/USD, tức tăng tới 21 VND so với phiên giao dịch cuối tuần qua. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại sẽ mua bán là 22.521 VND/USD và giá sàn là 21.210 VND/USD.

Trên thị trường, các ngân hàng đồng loạt tăng giá USD. Điển hình như tại Vietcombank, giá USD được ngân hàng này tăng 15 VND, lên mức 22.310 VND (mua vào) - 22.310 VND (bán ra), Eximbank giữ nguyên chiều mua là 22.280 VND, tăng 10 VND chiều bán, lên 22.380 VND. ACB giữ nguyên mức 22.280 VND - 22.380 VND…

Quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cho thấy, NHNN đã bắt đầu phản ánh tác động của sự kiện Brexit vào tỷ giá. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự kiện Brexit sẽ tác động nhất định tới tỷ giá VND/USD. Sự tác động này không chỉ từ việc đồng Bảng Anh và đồng EUR giảm giá, mà còn là hiệu ứng domino từ việc giảm giá của các đồng USD và đồng Nhân dân tệ.

Tác động từ Brexit đối với tỷ giá USD/VND còn bám theo phản ứng của các đồng tiền nói trên. Nhiều quốc gia sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền bản tệ của họ để hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu. Cho nên, tỷ giá VND/USD sẽ bị ảnh hưởng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên nhằm tránh gây thiệt hại cho xuất khẩu.

Hậu Brexit: Tỷ giá USD/VND đã có những phản ứng đầu tiên - 1

Trước mắt, theo nhiều chuyên gia, sự mất giá của đồng EUR khiến hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ trở nên đắt đỏ, có thể buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ. Như vậy giá trị của VND với Nhân dân tệ sẽ tăng lên, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cao.

TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: Anh rời khỏi EU sẽ làm suy giảm năng lực của Liên minh châu Âu và cả nước Anh cũng bị giảm. Một khi Anh còn ở trong EU thì sẽ tác động lớn đến EU vì Anh là một trong 3 quốc gia lớn của EU cùng với Pháp và Đức.

Đối với Việt Nam, thị trường châu Âu là đối tác đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, chính vì vậy, Anh rời khỏi EU không có tác động nhiều đến thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường này. Tuy nhiên, nếu Liên minh châu Âu suy yếu có thể ảnh hưởng tới Việt Nam như đầu tư nước ngoài, hàng hóa xuất nhập khẩu vào thị trường này dự báo có thể suy giảm.

“Tôi cho rằng, trực tiếp sẽ không ảnh hưởng nhiều nhưng gián tiếp qua Liên minh châu Âu thì sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo TS.Hiếu, giá trị của đồng Euro và đồng bảng Anh đang suy giảm so với USD, chính vì thế hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn vì ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá.

Một ảnh hưởng lớn hơn nữa đó là đồng Nhân dân tệ. Hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ trở nên đắt đỏ, có thể buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ, nghĩa là tăng đồng Nhân dân tệ với đồng ngoại tệ khác… Giá trị của đồng Việt Nam với Nhân dân tệ sẽ tăng lên, như vậy hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cao và nó cũng trở lại giống như năm ngoái khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá thì lập tức Việt Nam cũng bị phá giá theo thị trường xuất khẩu của mình.

Có lẽ tất cả những áp lực đó lên Việt Nam đồng ngày càng lớn, có thể VND phải phá giá so với đồng USD và phá giá với tất cả các đồng tiền khác.

Với sự kiện Brexit, một lần nữa, tỷ giá USD/VND lại chịu thử thách từ bên ngoài. Trước đó, tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cộng hưởng là sự cố tại Bình Dương đối với doanh nghiệp FDI.

Ở sự kiện đó, thị trường ngoại tệ căng thẳng, tỷ giá USD/VND biến động mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã phải tổ chức họp báo, có đại diện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đưa ra thông điệp bình ổn tỷ giá.

Tháng 8/2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá rất mạnh đồng Nhân dân tệ. Tỷ giá USD/VND lập tức chao đảo, như diễn biến của nhiều đồng tiền khác trên toàn cầu. Đây là cú sốc quá lớn khiến Ngân hàng Nhà nước không thể bảo thủ để giữ vững cam kết ổn định tỷ giá trong khoảng biến động 2% cả năm 2015.

Còn với lần biến động này, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang bám sát diễn biến thị trường để có những biện pháp can thiệp và ổn định cần thiết nếu cần.

Sau khoảng hai tuần tạm ngừng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, ổn định tâm lý thị trường, cân đối ngay những biến động về tỷ giá.

Hiền Minh