Kinh tế Việt Nam bị tác động thế nào khi Anh rời bỏ EU?
(Dân trí) - EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 30 tỷ USD nên việc Anh rời EU có thể tác động gián tiếp khiến xuất khẩu của Việt Nam bị giảm. Trong bối cảnh này, nếu Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ thì sẽ tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá VND/USD.
"Thị trường toàn cầu phản ứng dữ dội"
Kết thúc cuộc trưng cầu dân ý lịch sử diễn ra ngày 23/6 (giờ địa phương), 51,89% cử tri Anh đã ủng hộ Brexit so với chỉ 48,1% cử tri ủng hộ phương án Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, sau 40 năm gắn bó, người Anh đã lựa chọn việc rời bỏ EU.
"Brexit" là từ ghép của "Britain" và "Exit" nói đến việc Vương quốc Anh có thể rời bỏ EU. Việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực trực tiếp tới kinh tế Anh, EU và gián tiếp tới các nước khác.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, với việc quyết định rời khỏi EU, Anh sẽ có hai năm để đàm phán về các điều kiện tham gia vào thị trường EU. Trong thời gian đàm phán, Anh sẽ tiếp tục tôn trọng các điều ước quốc tế và pháp luật của EU, nhưng không còn có thể tham gia vào các quyết định.
Do đó, theo MBS, ảnh hưởng về kinh tế Anh, EU và toàn cầu trong ngắn hạn là nhỏ, các ảnh hưởng nếu có sẽ xuất hiện từ từ trong dài hạn.
Xét trên phương diện toàn cầu, đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến giai đoạn bất ổn vốn kéo dài càng trở nên trầm trọng, đẩy thị trường tài chính lung lay, đặc biệt tác động lớn tới sản lượng kinh tế.
Theo IMF, phản ứng của thị trường toàn cầu được dự báo tiêu cực, và thậm chí là dữ dội khi Anh rời khỏi "mái nhà chung" châu Âu. IMF dự báo những rào cản được tạo ra từ Brexit sẽ tác động đến các hoạt động thương mại, đầu tư và năng suất lao động, và điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực trong thời gian dài đối với sản lượng kinh tế.
Trong ngắn hạn, về cơ bản các thị trường tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu thường không thích sự bất ổn và sự không chắc chắn. Do đó, khi tương lai khối EU bị đặt dấu hỏi sau sự kiện này, các nhà đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, sẽ có xu hướng tự vệ trước sự kiện này bằng cách bán các tài sản được định giá bằng đồng Euro và đồng Bảng Anh đồng thời mua vào các tài sản phòng vệ như đồng USD hay Yên Nhật.
Các tác động chủ yếu đến thị trường tài chính toàn cầu trong ngắn hạn sẽ bao gồm đồng Euro và bảng Anh giảm giá mạnh (có thể giảm giá trên 10%), trong khi đó, đồng USD và Yên Nhật tăng giá. Thị trường chứng khoán EU và Anh giảm mạnh. Dòng tiền tìm kiếm đến các tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Áp lực lên VND và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam
Đặt vấn đề về tác động của Brexit tới kinh tế Việt Nam tại phiên họp báo sáng nay, đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết, Brexit chỉ tác động mạnh đến EU, Mỹ, ngoài ra là các thị trường lớn ở Châu Á như Nhật Bản, Singapore, còn Việt Nam thì không bị ảnh hưởng nhiều vì Việt Nam chỉ đang quá trình hội nhập, chưa sâu và chưa rộng. Cơ quan này đồng thời cho biết, hiện tại thì chưa thể đánh giá được.
Phân tích về tác động của Brexit, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, đồng Euro và Bảng Anh mất giá sẽ tạo ra bất lợi đối với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả tương đối của các hàng hóa vào EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện Brexit kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU như Trung Quốc hay Việt Nam...
"Yếu tố này có thể dẫn tới thêm nhiều động thái hạ giá đồng tiền từ phía Trung Quốc nhằm hỗ trợ xuất khẩu giống như giai đoạn tháng 8/2015 trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu của nước này liên tục suy giảm" VCBS dự đoán.
Ngoài ra, theo VCBS, Euro mất giá đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác. Vấn đề này cùng với việc đồng Nhân dân tệ suy yếu sẽ dẫn tới khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá.
Xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá. Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỷ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối.
Cuối cùng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên.
Còn theo MBS, trong nhóm thị trường mới nổi tại Châu Á, Việt Nam có quan hệ thương mại khá mật thiết với EU (bao gồm cả nước Anh). Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là EU với kim ngạch đạt trên 30 tỷ USD. Tại thị trường này, Việt Nam xuất siêu với giá trị lớn trên 20 tỷ USD. Do đó, triển vọng tăng trưởng của khu vực này kém đi cũng sẽ khiến cho xuất khẩu của Việt Nam bị giảm.
Thêm vào đó, việc đồng Euro giảm giá so với USD cũng khiến đồng tiền này giảm giá so với VND (do VND bị neo vào USD) và do đó khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU bị giảm. Kim ngạch xuất khẩu vào EU chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và do đó tác động của sự kiện trên nếu có là đáng kể.
MBS cũng cho rằng, áp lực lên tỷ giá VND/USD có thể sẽ tăng lên trong ngắn hạn khi dòng vốn đầu tư bị rút ra và đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên tác động này sẽ được cân bằng trở lại khi FED chắc chắn sẽ dừng tăng lãi suất nếu sự kiện trên xảy ra. Do đó, tác động lên tỷ giá VND/USD sẽ nhỏ.
"Chúng tôi chỉ lo ngại Trung Quốc có thể giảm giá Nhân dân tệ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào EU (khi đồng Euro giảm giá). Điều này là gây sức ép khiến NHNN Việt Nam giảm giá VND để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam", báo cáo của MBS nhận định.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch hôm nay (24/6) là rất tiêu cực. Đầu giờ chiều nay, chỉ số VN-Index đã có lúc đánh mất tới 34 điểm trước khi được "cứu", thu hẹp biên độ giảm còn 11,65 điểm. Cuối phiên, HSX có 220 mã giảm và HNX có 199 mã giảm, chỉ số hai sàn này lần lượt giảm 1,84% và 2,44%.
Bích Diệp