Siêu dự án sông Hồng sẽ “nhấn chìm đất canh tác ven sông”
Giáo sư Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam trao đổi với PV Dân Việt về Dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng.
Giáo sư có quan điểm như thế nào về Dự án đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng?
-Các chuyên gia về thủy lợi, thủy điện cho rằng việc xây dựng đập thủy điện trên Sông Hồng ở địa phận Phú Thọ, Yên Bái (hay còn gọi là sông Thao) là không phù hợp vì không có vị trí nào thuận lợi. Các đập thường được xây trên Sông Đà, Sông Lô, nơi có địa hình dốc, có đủ điều kiện thuận lợi để xây đập. Còn trên sông Hồng tôi thấy vấn đề đó không khả thi, bởi vì vùng đấy bằng phẳng, độ dốc không có nên hiệu quả về điện thấp. Tôi chưa nói đến các điều kiện khác về địa chất.
Trên sông Hồng đã có đề xuất nào tương tự như dự án này chưa, thưa ông?
-Chưa có dự án nào lớn như thế cả. Ý tưởng làm công trình đập thủy điện thì đã có, và cũng có những khảo sát nghiên cứu. Tuy nhiên các khảo sát đều cho thấy xét về địa hình, địa chất dòng chảy, việc xây các đập ở trên sông Thao có những bất lợi, không phù hợp để xây đập thủy điện, chí ít là không có hiệu quả kinh tế nên người ta không làm. Chúng tôi cũng thấy độ dốc của sông Thao không bằng các sông nhánh kia (sông Đà, sông Lô). Các vị trí làm đập cũng sẽ ngập nhiều, không thuận lợi cho việc xây dựng công trình hồ đập.
Dự án đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng nếu triển khai sẽ nhấn chìm hầu hết diện tích đất canh tác đôi bờ sông Hồng.
Việc có tới 6 công trình hồ đập thủy điện được xây dựng sẽ tác động như thế nào?
-Trước hết nó sẽ gây ngập hai bên ven sông nơi bà con nông dân canh tác nhiều. Ngập lụt sẽ nhấn chìm hầu hết diện tích đất canh tác, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất hai bên bờ sông của nông dân. Không chỉ ảnh hưởng đến trồng trọt mà nuôi trồng thủy sản cũng sẽ có những tác động không tốt, khi dòng chảy thay đổi thất thường. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển, sinh sản của các loài hải sản sinh sống nơi đây.
Còn đối với dòng chảy và lưu vực phía hạ du sông Hồng, khả năng thoát lũ và an toàn đê điều, trong trường hợp nó được phép xây dựng thì sao?
-Việc xây đập sẽ ảnh hưởng ở hạ du, làm thay đổi dòng chảy, vấn đề bồi lắng, xói lở. Cũng có vấn đề cần cân nhắc thêm là phù sa. Sông Hồng hiện nay đã rất ít phù sa xuống hạ du rồi, bây giờ ngăn đập thì các dòng chảy hạ du sẽ có các biến động. Vừa rồi tôi đi dọc sông xuống hạ du, thấy nước trong xanh chứ không phải màu phù sa nữa. Mất phù sa sẽ làm mất cân bằng dòng chảy, phù sa lắng lại dưới các hồ đập. Không có phù sa xuống hạ du, vào đồng ruộng sẽ là mối nguy hại lớn cho vựa lúa đồng bằng sông Hồng.
Chính vì vậy việc xây đập dâng cần cân nhắc kỹ những ảnh hưởng, tác động của nó tới mọi mặt, từ môi trường sinh thái, sinh kế người dân, đời sống sản xuất đến các tác động khác.
Xin cảm ơn giáo sư!
Theo Đình Thắng
Dân Việt