Đề xuất siêu dự án sông Hồng: Cuộc sống 20 triệu dân bị ảnh hưởng!

Đó là những đánh giá của GS-TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam về đề xuất dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện (dọc sông Hồng) của Công ty TNHH Xuân Thiện. Xung quanh dự án này, GS Hồng đã trao đổi với phóng viên Dân Việt.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét về mặt chủ trương đối với Dự án đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng, có khá nhiều bộ ngành có chiều hướng đồng thuận. Cá nhân ông có quan điểm như thế nào về dự án này?

- Bản chất của dự án này là nâng cấp đường giao thông thủy trên sông Hồng để thông thương với Trung Quốc và kèm thêm 6 thủy điện với công suất 228 MW. Như vậy mục tiêu chính là dâng nước để phục vụ giao thông xuyên quốc gia, còn thủy điện chỉ là kết hợp. Thực chất, đây chỉ là dự án cải tạo đường giao thông thủy trên sông Hồng, không có mục tiêu cho thủy điện và thủy lợi.


Theo GS- TS Vũ Trọng Hồng, dự án này nếu triển khai sẽ tác động mạnh đến sản xuất và đời sống của nông dân vùng đồng bằng sông Hồng.  ảnh: T.L

Theo GS- TS Vũ Trọng Hồng, dự án này nếu triển khai sẽ tác động mạnh đến sản xuất và đời sống của nông dân vùng đồng bằng sông Hồng. ảnh: T.L

Còn nói rằng các bộ ngành đồng ý với dự án này, thì đây là một sự lập lờ của chính cơ quan chức năng. Với câu hỏi là góp thêm ý kiến gì, thì rõ ràng các bộ chỉ đi vào cụ thể. Điển hình như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ góp ý những ảnh hưởng, như tác động dòng chảy trên sông Hồng, vấn đề thoát lũ, vấn đề sạt lở bờ sông, việc lấy nước của các công trình ven sông... Vì thế tờ trình nói các bộ đã đồng ý. Đúng ra Bộ NNPTNT cần ghi rõ “không đồng ý”, bởi chính bộ đang có Ban quản lý lưu vực sông Hồng, và biết rõ trong quy hoạch đó không có dự kiến công trình trên sông Hồng.

"Điều sâu xa nhất, mà ít người chúng ta nghĩ được, về hậu quả của dự án đối với nông dân và nông thôn, chính là dập tắt những hy vọng vươn lên làm giàu của người nông dân... Chúng ta có thể xem xét việc đánh giá dự án này là” bài kiểm tra sự thành tâm của con người khi cân nhắc, lựa chọn giữa lợi ích riêng và lợi ích cộng đồng” - GS-TS Vũ Trọng Hồng

Nhiều chuyên gia nông nghiệp lo ngại việc xây dựng 6 con đập trên sông Hồng sẽ có tác động lớn đến dòng chảy sông Hồng, đến khả năng thoát lũ, vấn đề sạt lở bờ sông... Những lo ngại này có cơ sở không thưa ông?

- Dĩ nhiên những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta không thể đánh giá tác động môi trường của dự án này theo thông lệ như đối với một dự án xây dựng hồ chứa nước. Ví dụ mất bao nhiêu ha đất do ngập lụt, hoặc phải di dời bao nhiêu dân..., như trong văn bản trả lời của các bộ ngành về dự án này. Dự kiến chủ đầu tư sẽ xây dựng 6 tổ máy, với tổng công suất là 228MW, chia thành một số bậc thang, thì rõ ràng, mỗi tổ máy hơn 30MW, thuộc loại thủy điện nhỏ (Quốc hội vừa qua đã loại bỏ hơn 400 dự án). Mực nước trên sông ở những nơi dự kiến làm thủy điện, về mùa kiệt chỉ sâu trên 4m, thì mỗi bậc thang chỉ có độ sâu khoảng 1m. Dự án này nói có đóng góp nguồn nước, song với mực nước nhỏ như trên, và dọc theo sông Hồng không có địa hình làm hồ chứa (bụng chứa) như nghiên cứu của Bộ Thủy lợi trước đây, thì làm sao có được hàng tỷ mét khối nước xả xuống hạ du khi cần sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân.

Khi trả lời phóng viên Báo NTNN, lãnh đạo một số tỉnh đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định… lo ngại việc xây dựng 6 đập trên sông Hồng sẽ có tác động lớn đến vựa lúa khu vực này khi xâm nhập mặn gia tăng, lượng phù sa bồi lắng giảm mạnh... Ông nghĩ thế nào?

- Điều lo ngại nhất đối với tác động của dự án này chính là nguồn nước và sự sống của gần 20 triệu dân vùng đồng bằng sông Hồng, trên phạm vi diện tích gần 2 triệu ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 1 triệu ha, với gần 700.000ha là đất phù sa màu mỡ, được bồi đắp từ hàng nghìn năm để lại. Lòng dẫn sông Hồng mất phù sa, mất cát sỏi bồi đắp, sẽ tụt xuống, kéo theo sự hạ thấp mực nước của cả hệ thồng sông Hồng – sông Thái Bình, và tất nhiên mực nước ngầm sẽ tụt theo. Hậu quả của hiện tượng đó là vùng đồng bằng với diện tích đất gần 2 triệu ha cũng từ từ hạ thấp xuống. Sinh thái toàn vùng đồng bằng bị nhiễm mặn, đặc biệt khi 100 năm sau nước biển dâng lên tới 1m. Chúng ta hãy nhìn những bức ảnh chụp ở các vùng nhiễm mặn của các tỉnh miền Tây Nam Bộ: Một màu vàng khô héo với đất nứt nẻ. Chúng ta có thể chung sống với lũ, song đối với hạn hán là phải di cư sang một miền đất khác.

Những cửa biển Thái Bình, Văn Úc, Lạch Tray, Nam Triệu... sẽ xói sâu xuống và mở rộng hơn, nước mặn sẽ vào sâu hơn, trong lúc nguồn nước từ các nhánh sông bắt nguồn từ sông Hồng giảm đi, không đủ sức đẩy mặn. Liệu chúng ta có thể làm gì được trước “sự nguyện cầu hạn – mặn” của hàng triệu người dân? Như vậy, điều quan trọng nhất cần bàn ở đây là có nên đánh đổi dòng sông Hồng, nguồn cung cấp nước hàng ngàn năm cho vùng đồng bằng để chuyển sang mục tiêu phục vụ giao thông thủy không?

Một số ý kiến cho rằng, dự án này nếu được thông qua sẽ có tác động không hề nhỏ đến sinh kế, đời sống của nông dân, ngư dân dựa vào dòng sông này. Những lo ngại về nông dân mất nghề, mất đất đang lớn dần với sự xuất hiện của dự án...

- Lĩnh vực nhạy cảm nhất đối với tác động của dự án này chính là ngành nông nghiệp và các vùng nông thôn. Điều hiển nhiên mà chúng ta thấy được ở các tỉnh bị hạn mặn vừa qua là sự thất thu, sự cực khổ của nông dân và sự “gồng mình” của nhà nước để hỗ trợ người dân. Song điều sâu xa nhất, mà ít người chúng ta nghĩ được, về hậu quả của dự án đối với nông dân và nông thôn, chính là dập tắt những hy vọng vươn lên làm giàu của người nông dân.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, người nông dân còn làm thêm nhiều nghề phụ để tận dụng sức lao động nông nhàn, thêm nguồn thu nhập, tuy ít ỏi những cũng đủ nuôi sống cho gia đình và cho các con cháu được học hành. Những nhóm nghề phụ đó như chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; công nghiệp; cây trồng sinh vật cảnh... Những nghề đó rất cần nguồn nước cung cấp. Đã từ lâu, họ đã được hưởng một nguồn nước dồi dào từ các kênh tưới, thậm chí kênh tiêu của thủy lợi. Nhưng khi dòng sông đã cạn, mực nước ngầm không còn nữa, thì làm gì còn những nghề đó nữa.

Những người dân chài ở ven sông, ở những cửa biển, còn đâu nguồn lợi thủy sản từ đánh bắt đến nuôi trồng, bởi không còn nguồn phù du từ thượng lưu đổ về. Dòng chảy từ những turbin phát điện sẽ làm mất đi những luồng cá xuôi ngược để đẻ và phát triển. Đối với những nước đang phát triển, gọi đó là những hệ lụy trong đánh giá tác động môi trường sinh thái khi tiến hành xây dựng công trình trên những dòng sông. Điều này trong luật pháp của chúng ta chưa thể hiện đầy đủ./.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Thăm dò ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ xem xét thông qua đề xuất đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với Thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Theo bạn:
Đây là dự án có hiệu quả về kinh tế - xã hội, Chính phủ nên xem xét, thông qua. Chính phủ bác bỏ ngay đề xuất này vì đây là dự án sẽ có nhiều tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội. Chỉ chấp nhận một phần dự án: Làm dự án giao thông hoặc chỉ làm dự án thủy điện. Ý kiến khác
Đề xuất siêu dự án sông Hồng: Cuộc sống 20 triệu dân bị ảnh hưởng! - 2
Đề xuất siêu dự án sông Hồng: Cuộc sống 20 triệu dân bị ảnh hưởng! - 3

Theo Đình Thắng
Dân Việt

Đề xuất siêu dự án sông Hồng: Cuộc sống 20 triệu dân bị ảnh hưởng! - 2