Siêu dự án tỷ đô trên sông Hồng được "các bộ ngành đồng thuận cao"

(Dân trí) - Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào cần phải có báo cáo tác động môi trường. Ở giai đoạn ý tưởng sơ khai, dự án được sự đồng thuận cao từ các bộ ngành, địa phương.


Ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư, Bộ KHĐT (ảnh: BD)

Ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư, Bộ KHĐT (ảnh: BD)

Đề cập đến siêu dự án 1 tỷ USD xây dựng hệ thống giao thông, thủy điện trên sông Hồng của một doanh nghiệp vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ thông qua mới đây, trả lời tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều nay (5/5), ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, dự án này mới ở bước sơ khai, dưới dạng đề xuất, thí điểm ban đầu.

Theo đại diện Bộ KHĐT, nhận thức được tầm ảnh hưởng về môi trường cũng như các vấn đề khác của dự án, Bộ KHĐT đã xin ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan và "nhận được sự đồng thuận cao của các bộ ngành, địa phương".

Tuy nhiên, ông Tự cũng nói thêm rằng, "sự đồng thuận ở đây ở mức là báo cáo Chính phủ cho chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu về dự án". Như vậy, nếu muốn được đầu tư thì dự án này còn phải qua ít nhất hai bước: được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xuất dự án; sau đó các cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo dự án khả thi và phê duyệt dự án khả thi.

Với dự án này, đại diện Bộ KHĐT cho biết, rất ủng hộ đề xuất, sáng kiến của nhà đầu tư nhưng không có nghĩa là một khi nhà đầu tư đề xuất thì được lựa chọn đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, quy định tại Nghị định 15 về dự án PPP.

"Chúng tôi cũng nghĩ rằng dự án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào trong quá trình họ dự kiến nạo vét dòng sông, xây dựng các đập thủy điện thì cần phải có đánh giá tác động môi trường - tức là ở bước sau, bước lập dự án khả thi" - ông Tự nói.

Theo đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết sẽ được chủ đầu tư lập, sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành khác có liên quan sẽ thẩm định báo cáo này.

"Tuy nhiên, bước đầu, chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ rằng dự án này kéo dài từ Lào Cai theo suốt dọc dòng sông như vậy, ảnh hưởng lớn đến đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đặc biệt phải nghiên cứu rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi; vấn đề xói lở hai bên dòng sông... Việc xây dựng những đập ngăn nước lớn như vậy thì phải xây dựng ở những vị trí nào, địa chất ra sao; vấn đề mua bán điện...đều sẽ phải được xem xét" - vị đại diện Bộ KHĐT chia sẻ.

Do đây mới chỉ là ý tưởng, đang trong quá trình đề xuất sơ bộ dự án nên ông Tự cho hay, những vấn đề "nóng" mà dư luận quan tâm đều chính đáng nhưng phải chờ giải quyết ở giai đoạn tiếp theo của dự án này.

Thăm dò ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ xem xét thông qua đề xuất đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với Thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Theo bạn:
Đây là dự án có hiệu quả về kinh tế - xã hội, Chính phủ nên xem xét, thông qua. Chính phủ bác bỏ ngay đề xuất này vì đây là dự án sẽ có nhiều tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội. Chỉ chấp nhận một phần dự án: Làm dự án giao thông hoặc chỉ làm dự án thủy điện. Ý kiến khác
Siêu dự án tỷ đô trên sông Hồng được "các bộ ngành đồng thuận cao" - 2
Siêu dự án tỷ đô trên sông Hồng được "các bộ ngành đồng thuận cao" - 3

Hồ sơ của Vietstar Airlines chưa đáp ứng quy định

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (HK) cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines).

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, đây là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến an toàn con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh.

Việc xem xét, quyết định cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển HK cần được kiểm soát chặt chẽ và phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 30 về kinh doanh vận chuyển HK và hoạt động HK chung, bảo đảm an ninh, an toàn, tránh nhượng quyền vận chuyển HK nội địa và tạo môi trường bình đẳng, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Tháng 9/2015, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air. "Do chưa đáp ứng quy định về vốn góp và xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính, hướng dẫn Vietstar Air hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định" - ông Dũng cho biết.

Mới đây, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng về việc này; Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến cơ quan liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bích Diệp

Siêu dự án tỷ đô trên sông Hồng được "các bộ ngành đồng thuận cao" - 2