Siêu dự án trên sông Hồng không phải là chuyện để đem ra "chém gió"!

(Dân trí) - Mặc dù siêu dự án qua sông Hồng chưa được "xem xét phê duyệt" song theo GS Đặng Hùng Võ, với những tác động ghê gớm đến miền Bắc Việt Nam, đây không phải là câu chuyện để đem ra "chém gió" với nhau và cũng không nên dùng mỹ từ "xuyên Á" để làm nổi vấn đề như mang tính chất lớn lao, vĩ đại.


Dự án xây tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp làm đập thủy điện qua sông Hồng mới chỉ là ý tưởng

Dự án xây tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp làm đập thủy điện qua sông Hồng mới chỉ là ý tưởng

Như tin đã đưa, chiều qua (9/5), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản thông báo ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ là "chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp làm thủy điện theo hình thức BOO vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật".

Trước đó, một nguồn tin đã chia sẻ với Dân Trí: "Thực ra dự án này sẽ không cần phải ra một quyết định hay văn bản cụ thể để bác bỏ mà chỉ có thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, đây là dự án chưa đủ điều kiện về nhiều mặt, mới là ý tưởng nên Chính phủ chưa xem xét".

Trao đổi với báo giới sáng nay (10/5), chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) nói: Việc xây dựng một dự án tác động vào dòng sông Hồng tôi cho rằng không phải là chuyện “chém gió” với nhau để đưa ra ý tưởng. Đây là việc tác động vào môi trường miền Bắc Việt Nam.

Kinh nghiệm nhiều nước đã cho thấy, thuỷ điện gây tác động thảm họa đến địa chất, ví dụ kích thích động đất, phân bổ lại vật chất trên bề mặt đất. Hơn nữa, việc xây đến 6 công trình thủy điện trên sông Hồng sẽ tác động ghê gớm đến tài nguyên nước, gây hạn hán thậm chí ngập lụt.

Ngoài ra, theo ông Võ, do lưu vực sông đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên việc xây dựng bất cứ công trình nào cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Công trình đường giao thông thủy kết hợp thủy điện này cũng sẽ tác động cực kỳ lớn về mặt xã hội như câu chuyện tái định cư; cộng đồng dân cư sinh sống nhờ dòng sông mất sinh kế, làm đảo lộn cuộc sống... Đây đều là những tác động mang tính trực tiếp. Trong khi đó, lợi ích về giao thông chưa thật sự rõ ràng.

Ông Đặng Hùng Võ cũng đưa ra bình luận: "Công trình xuyên một số tỉnh Tây Nam Trung Quốc tiếp cận ra biển qua sông Hồng, đây chỉ là câu chuyện giữa 2 nước với nhau nên đừng dùng mỹ từ “xuyên Á” để làm nổi vấn đề như mang tính chất lớn lao, vĩ đại".

Bích Diệp

Siêu dự án trên sông Hồng không phải là chuyện để đem ra "chém gió"! - 2