1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sau hợp tác với TPBank và ACB, Sun Life Việt Nam lỗ kỷ lục

Vân Khánh

(Dân trí) - Năm 2019, Sun Life Việt Nam ký hợp tác độc quyền bancassurance với TPBank. Chỉ một năm sau đó, đối tác mới khác mà công ty bảo hiểm này lựa chọn là ACB. Và 2020 là năm Sun Life Việt Nam báo lỗ kỷ lục.

"Mang tới một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Việt Nam"

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam (Sun Life Việt Nam) là công ty bảo hiểm lớn thứ ba tại Việt Nam về vốn chủ sở hữu, chỉ sau FWD và Cathay Life. Trong 2 năm qua, Sun Life Việt Nam ký hợp tác độc quyền bancassurance với hai ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Cụ thể, cuối tháng 11/2019, Sun Life Việt Nam và TPBank tổ chức lễ ký kết hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, Sun Life Việt Nam sẽ là đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm độc quyền cho TPBank trong 15 năm tới. Việc hợp tác bắt đầu từ đầu năm 2020.

Sau hợp tác với TPBank và ACB, Sun Life Việt Nam lỗ kỷ lục - 1

Tháng 11/2019, Sun Life Việt Nam và TPBank tổ chức lễ ký kết hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm (Ảnh: Sun Life Việt Nam).

Thương vụ này nhận được sự kỳ vọng từ cả 2 bên.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, nhận định: "Việc hợp tác này sẽ đem lại nhiều giá trị bền vững cho khách hàng và cộng đồng, giúp khách hàng có thêm lựa chọn về các gói quyền lợi bảo hiểm cũng như hướng đến mục tiêu giúp khách hàng đảm bảo an toàn tài chính trọn đời và tận hưởng cuộc sống mạnh khỏe hơn".

Ông Leo Grepin, Chủ tịch Sun Life Khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn nhắc tới những nhiệm vụ cao cả khi phát biểu: "Chúng tôi mong chờ việc hợp tác với TPBank mang tới một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Việt Nam".

Đúng một năm sau đó, Sun Life Việt Nam có thêm đối tác mới là ACB. Ngày 18/11/2020, Sun Life Việt Nam và ACB đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm trong 15 năm. Đây là hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm đầu tiên của ACB. 

Ông Larry Madge -Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam - cũng muốn mang đến tương lai tươi sáng cho người dân Việt Nam khi khẳng định: "Với việc hợp tác này, chúng tôi cùng hướng tới mục tiêu mang tới một tương lai tươi sáng hơn cho khách hàng tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là một phần trong chiến lược dài hạn của Sun Life nhằm phát triển năng lực phân phối, với sự đóng góp mạnh mẽ từ kênh phân phối qua ngân hàng".

Sun Life Việt Nam lỗ kỷ lục

Sun Life Việt Nam chính thức hoạt động từ năm 2013. 2013 cũng là năm duy nhất công ty có lãi với khoản lợi nhuận sau thuế đạt 36,5 tỷ đồng. Nhưng kể từ đó đến  năm 2020, công ty bảo hiểm này thường xuyên thua lỗ. Đáng chú ý, sau mốc thời gian hợp tác với TPBank và ACB, Sun Life Việt Nam lập kỷ lục về lỗ.

Sau hợp tác với TPBank và ACB, Sun Life Việt Nam lỗ kỷ lục - 2

Cụ thể, năm 2020, sau khi hợp tác với ACB, Sun Life Việt Nam đạt "đỉnh" lỗ 645 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, sau khi hợp tác với TPBank, Sun Life Việt Nam lỗ 312 tỷ đồng, cao hơn hẳn các năm trước đó.

Trong giai đoạn 2014-2018, lợi nhuận sau thuế của Sun Life Việt Nam lần lượt là -118 tỷ đồng, -78,5 tỷ đồng, -109 tỷ đồng, -141 tỷ đồng, -292 tỷ đồng.

Kết quả là từ năm 2014, Sun Life Việt Nam đã ghi nhận lỗ lũy kế. Trong suốt 7 năm liền, lỗ lũy kế tại Sun Life Việt Nam lần lượt là 83,7 tỷ đồng, 162 tỷ đồng, 271 tỷ đồng, 412 tỷ đồng, 704 tỷ đồng, 1.016 tỷ đồng và 1.661 tỷ đồng.

Điều đáng nói, Sun Life Việt Nam trong tình trạng càng được "bơm" nhiều vốn thì càng lỗ. Kể từ 2014 đến nay, công ty đã trải qua thời kỳ tăng vốn theo năm. Trong giai đoạn 2014-2019, vốn điều lệ tại Sun Life Việt Nam tăng dần đều: 1.100 tỷ đồng, 1.200 tỷ đồng, 1.350 tỷ đồng, 1.520 tỷ đồng, 1.870 tỷ đồng, 5.070 tỷ đồng.

2020 là năm đặc biệt của Sun Life Việt Nam khi công ty thực hiện quá trình tăng vốn siêu tốc. Theo đó, nguồn vốn kinh doanh tăng 9.310 tỷ đồng, tương đương 184% so với năm 2019.

Là doanh nghiệp lớn thứ ba tại Việt Nam nhưng do thua lỗ triền miên nên từ 2013 đến nay, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Sun Life Việt Nam chỉ phát sinh trong năm 2013 là hơn 12,6 tỷ đồng và năm 2019 là 22 triệu đồng.

TPBank và ACB được gì?

Xét về các chỉ tiêu tài chính, Sun Life Việt Nam có chuỗi ngày dài bết bát. Tuy nhiên, 2 đối tác lớn là TPBank và ACB dường như lại được hưởng lợi lớn từ cái bắt tay với Sun Life Việt Nam.

Tại họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 41% so với 2018.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của TPBank là 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng, tương đương 71,3% so với năm 2018. Dựa vào các số liệu này, có thể thấy TPBank đã vượt xa kế hoạch được giao.

Thế nhưng, thực tế, trong năm 2019, tại TPBank phát sinh một dòng tiền bất thường, đó là thu nhập từ hoạt động khác. Chỉ tiêu này đạt 1.027 tỷ đồng, tăng 878 tỷ đồng, tương đương 589% so với năm 2018. Nhờ đó, lãi thuần từ hoạt động khác lên đến 708 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, năm 2019, thu nhập khác tại TPBank chủ yếu đến từ Sun Life Việt Nam. Đó là TPBank nhận được 900 tỷ đồng chi phí hỗ trợ từ Sun Life Việt Nam. Điều đáng nói, hai bên chỉ hợp tác tại thời điểm cuối năm nhưng Sun Life Việt Nam dường như đã ưu ái cho TPBank. Vì nếu trừ đi 708 tỷ đồng lợi nhuận khác, lợi nhuận trước thuế của TPBank là 3.160 tỷ đồng, thấp hơn 40 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra. Và trong năm 2019, Sun Life Việt Nam lập kỷ lục (đến thời điểm đó) về thua lỗ.

Sau hợp tác với TPBank và ACB, Sun Life Việt Nam lỗ kỷ lục - 3

ACB ký hợp đồng hợp tác với Sun Life Việt Nam (Ảnh: Sun Life Việt Nam).

ACB ký hợp đồng hợp tác với Sun Life Việt Nam đúng một năm sau TPBank nhưng báo cáo tài chính năm 2020 không cho thấy ACB nhận được khoản hỗ trợ 900 tỷ đồng như TPBank.

ACB không hạch toán cụ thể thu nhập đến từ bảo hiểm nên chưa rõ những đóng góp của bảo hiểm mà Sun Life Việt Nam dành cho ACB. Tuy nhiên, có thể hình dung ra bức tranh bancassurance tại ACB.

Tại ACB, năm 2020, thu nhập từ hoạt động dịch vụ bao gồm dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân quỹ và dịch vụ chứng khoán và các dịch vụ khác. Vì vậy, không loại trừ khả năng thu nhập từ bảo hiểm được hạch toán vào các dịch vụ khác. Thế nhưng, thu nhập từ các dịch vụ khác của ACB lại giảm nhẹ từ 1.124 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.069 tỷ đồng.