FWD vẫn lỗ kỷ lục sau cái bắt tay với đại gia ngân hàng
(Dân trí) - Hợp tác "khủng" về bancassurance của FWD với một ngân hàng lớn sau một năm triển khai được hai bên đánh giá là đã tạo nhiều dấu ấn đột phá. Tuy nhiên, FWD vẫn lỗ kỷ lục.
"Bancassurance đáng chú ý nhất từ trước đến nay"
Trong vài năm trở lại đây, bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - PV) đã trở thành xu hướng thời thượng trên thị trường bảo hiểm.
Ngày 13/4/2020, một ngân hàng TMCP lớn gia nhập xu hướng này khi triển khai Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn 15 năm với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD).
Cả hai bên đều đặt rất nhiều kỳ vọng cho cái bắt tay này. Trong thông cáo báo chí, ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng Giám đốc FWD Việt Nam cho biết, việc các sản phẩm của FWD chính thức phân phối qua hệ thống rộng khắp của ngân hàng là cơ hội tuyệt vời để đưa hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam lên một tầm cao mới, đồng thời thúc đẩy tham vọng xây dựng mô hình liên kết bảo hiểm - ngân hàng dẫn đầu khu vực của tập đoàn FWD.
Sau một năm hợp tác, tới đầu tháng 4 năm nay, trên website chính thức của mình, ngân hàng này cũng đánh giá cao về thương vụ khi viết, hợp tác giữa hai bên sau một năm triển khai đã tạo được nhiều dấu ấn đột phá và được xem là hợp tác bancassurance đáng chú ý nhất từ trước đến nay, không chỉ tạo ra nhiều giá trị tích cực cho khách hàng mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam.
FWD lỗ kỷ lục
Cái bắt tay giữa ngân hàng trên và FWD là "hợp tác bancassurance đáng chú ý nhất từ trước đến nay". Tuy nhiên, xét dưới góc độ tài chính, sau thương vụ "đáng chú ý nhất" này, FWD lập kỷ lục về thua lỗ.
Năm 2020, tổng doanh thu FWD tăng mạnh, tăng 1.276 tỷ đồng, tương đương 90,1% so với năm 2019. Thế nhưng tổng chi phí lại lên tới 4.394 tỷ đồng, tăng 2.224 tỷ đồng, tương đương 102%.
Trong cơ cấu chi phí, chi phí bán hàng chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới 2.051 tỷ đồng, tăng 1.231 tỷ đồng, tương đương 150% so với năm 2019. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm thấp hơn, đạt 1.481 tỷ đồng. Con số này năm 2019 chỉ là 785 tỷ đồng.
Kết quả là năm 2020, FWD lập kỷ lục về thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế là âm 1.703 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu tiên FWD thua lỗ, chỉ là lần đầu tiên con số lỗ đạt tới nghìn tỷ.
Trong giai đoạn 2015-2019, FWD lần lượt lỗ 62 tỷ đồng, 120 tỷ đồng, 544 tỷ đồng, 760 tỷ đồng và 754 tỷ đồng.
Quá trình lợi nhuận âm kéo dài khiến cho FWD ghi nhận 4.309 tỷ đồng lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2020. Như vậy, với vốn góp chủ sở hữu lên đến 15.174 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của FWD chỉ còn 10.865 tỷ đồng.
Ngân hàng nhận được gì?
Trong năm đầu hợp tác, FWD ghi nhận khoản lỗ cao kỷ lục trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam. Còn ngân hàng bắt tay với FWD nhận được gì khi thực hiện bancassurance với đại gia bảo hiểm?
Thông thường, doanh thu từ bảo hiểm, tư vấn bảo hiểm được hạch toán vào hoạt động dịch vụ. Năm 2020, ngay cả trong báo cáo kiểm toán hợp nhất đã kiểm toán, ngân hàng này cũng không nhắc gì tới doanh thu từ bảo hiểm hay FWD.
Chỉ biết, năm 2020, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này đạt tới 10.588 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí chỉ là 3.981 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động dịch vụ đóng góp rất nhiều cho đà tăng trưởng kỷ lục.
Trong đó, ngân hàng chỉ liệt kê doanh thu và chi phí từ dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân quỹ, nghiệp vụ ủy thác và đại lý. Còn thu nhập khác trị giá rất cao, ngân hàng lại không nêu tên cụ thể.
Cụ thể, hoạt động khác mang về cho ngân hàng này tới 4.487 tỷ đồng, tăng 1.847 tỷ đồng, tương đương 70% so với năm 2019. Chi phí khác lại khá thấp, chỉ 547 tỷ đồng. Tính chung, hoạt động khác đã mang về cho ngân hàng này khoản lãi thuần 3.940 tỷ đồng.
Đến quý I, hiệu quả từ hoạt động bancassurance cũng không được hé lộ. Chỉ biết lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng tăng 2.311 tỷ đồng, tương đương 205% lên 3.438 tỷ đồng.