Bảo hiểm Viễn Đông của shark Liên vẫn đi lùi
(Dân trí) - Công ty Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) của shark Liên lại có thêm một kỳ đi lùi và chưa thể bù đắp được những khoản lỗ khổng lồ.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra trong ngày 31/5 vừa qua, cổ đông Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) bầu bà Đỗ Thị Kim Liên (thường gọi là shark Liên) làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2023.
Từ đây, tầm ảnh hưởng của gia đình shark Liên tại VASS càng lớn hơn. Cùng với shark Liên, bà Đỗ Thị Minh Đức, em gái bà Liên nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VASS. Ngoài ra, bà Phạm Phương Chi, con gái shark Liên cũng là Thành viên HĐQT, cổ đông lớn của VASS với tỷ lệ sở hữu 5,7143% vốn.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý II vẫn cho thấy đà đi lùi của công ty bảo hiểm này.
Mất gần nửa vốn cổ đông
Theo báo cáo tài chính quý II, các chỉ tiêu tài chính quan trọng của công ty đều đi lùi.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý II đạt 15,5 tỷ đồng, giảm 15,8 tỷ đồng, tương đương 50,5% so với quý II/2020. Lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận đạt 35,8 tỷ đồng, giảm 6,2 tỷ đồng, tương đương 14,8%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận giảm sâu khi doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I giảm từ gần 429 tỷ đồng xuống gần 323,5 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt hơn 671,5 tỷ đồng, giảm 298 tỷ đồng, tương đương 30,7%.
Mặc dù có lãi trong nhiều quý gần đây, VASS vẫn chưa thể bù đắp được những khoản lỗ lớn trước đó. Chính vì vậy, tại thời điểm 31/3, lỗ lũy kế của VASS lên đến 323 tỷ đồng. Kết quả là vốn chủ sở hữu VASS chỉ còn lại 380 tỷ đồng dù vốn góp chủ sở hữu lên đến 700 tỷ đồng.
VASS chưa phải công ty niêm yết nên nhiều báo cáo của VASS không được công bố công khai. Vì vậy, không rõ VASS bắt đầu thua lỗ từ khi nào. Chỉ biết, tại thời điểm cuối năm 2020, 2019 và 2018, lỗ lũy kế tại VASS là 358 tỷ đồng, 393 tỷ đồng, 486 tỷ đồng.
Trước đó, thậm chí VASS còn âm vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm cuối năm 2017 và 2016, vốn chủ sở hữu tại VASS là âm 85 tỷ đồng và âm 534 tỷ đồng. Nguyên nhân là công ty gánh khoản lỗ chưa phân phối lên đến 587 tỷ đồng và 837 tỷ đồng.
Bồi thường bảo hiểm thấp hơn đối thủ
Doanh thu của VASS đang giảm dần. Công ty không giải thích rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu dựa vào tỷ lệ chi trả bảo hiểm, có thể thấy tỷ lệ này tại VASS kém hấp dẫn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng chi bồi thường bảo hiểm tại VASS chỉ là 34 tỷ đồng, bằng 4,5% tổng doanh thu bảo hiểm và chỉ bằng 30% chi phí mà VASS dành cho chi hoa hồng. Cụ thể, chi hoa hồng bảo hiểm của VASS là 117 tỷ đồng.
So các với đối thủ khác, tỷ lệ chi trả bảo hiểm/tổng doanh thu bảo hiểm của VASS khiêm tốn hơn khá nhiều.
Hiện tại, bên cạnh VASS, mới chỉ Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (Bảo Long) công bố báo cáo tài chính quý II. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Bảo Long đạt doanh thu phí bảo hiểm 742 tỷ đồng và công ty dành 146 tỷ đồng chi trả bảo hiểm. Như vậy, tỷ lệ chi trả bảo hiểm/tổng doanh thu bảo hiểm tại Bảo Long là 19,7%, gấp 4,4 lần tại VASS.
Một số đơn vị khác chưa công bố tình hình kinh doanh quý II nhưng có thể tham khảo dữ liệu trong quý I.
Theo đó, trong quý I, tỷ lệ chi trả bảo hiểm/tổng doanh thu bảo hiểm tại Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp lần lượt là 24,5%, 27,1%, 26,4%.
"Nặng nợ" Vinashin
Bảo hiểm Viễn Đông rót khá nhiều tiền cho đầu tư tài chính. Nhưng khá nhiều trong số đó kém hiệu quả khiến công ty phải trích lập dự phòng. Trong đó, "nổi bật" nhất là Vinashin.
Với các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn, VASS phải dành 2,3 tỷ đồng lập dự phòng cho 4,2 tỷ đồng đầu tư chứng khoán ngắn hạn. Công ty MTV VD Vinashin vay 1,9 tỷ đồng và khiến VASS phải trích lập 100% khoản vay.
Tại Công ty Cổ phần cấp nước Nhà Bè, VASS có khoản đầu tư trị giá 2,3 tỷ đồng và VASS phải dành 370 triệu đồng dự phòng.
Với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, VASS phải trích lập dự phòng tại 4 công ty. Đó là Công ty cổ phần chứng khoán Viễn Đông, Công ty cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Lian, Công ty cổ phần Bột mì Bình An và Công ty Cổ phần Luyện cán Thép Phú. Tổng giá trị trích lập là 69,1 tỷ đồng. Trong đó, Chứng khoán Viễn Đông "ngốn" tới 53,7 tỷ đồng.