Thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua:

Sắp phải mua 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, hơn 3.000 tỷ đồng chờ tính vào giá điện

(Dân trí) - Thông tin này được đại diện Bộ Công Thương công bố tại một cuộc họp báo diễn ra trong tuần vừa rồi. Ngoài giá điện thì một số thông tin khác như phản hồi của EVN về bụi mịn, phản hồi của của Bộ Tài chính khi Moody’s hạ tín nhiệm của Việt Nam cũng được quan tâm.

Bộ Tài chính: Moody’s hạ tín nhiệm của Việt Nam là không xác đáng!

Sắp phải mua 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, hơn 3.000 tỷ đồng chờ tính vào giá điện - 1

Bộ Tài chính khẳng định Moody's bỏ qua các nỗ lực của Việt Nam để hạ hệ số tín nhiệm, đây là sự việc không xác đáng

Ngày 18/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh triển vọng xuống "tiêu cực" , kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019. 

Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định điều chỉnh giảm triển vọng tín nhiệm của Việt Nam bắt nguồn từ nhận định cho rằng: vẫn tiềm ẩn rủi ro, tuy không còn đáng kể của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh. 

Theo Bộ Tài chính, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công, là không xác đáng.

Năm 2020 dự kiến phải mua hơn 2 tỷ kWh điện của Trung Quốc

Sắp phải mua 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, hơn 3.000 tỷ đồng chờ tính vào giá điện - 2

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng

Tại buổi công bố bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN diễn ra chiều 18/12, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thuỷ văn không thuận lợi, cực đoan. Cùng với đó, loạt công trình điện chậm tiến độ...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, theo phương án được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 về cơ bản được đảm bảo. Song năm 2020 có thể có nhiều biến động, chẳng hạn như mưa nhiều, lúc đó ngành điện hoàn toàn có thể huy động nhiều hơn từ thủy điện.

Còn nếu phải huy động sản lượng lớn dầu, ông Vượng cho rằng tình hình tài chính EVN sẽ khó khăn. Vì giá dầu đắt hơn rất nhiều so với các nguồn huy động từ thuỷ điện hay nhiệt điện.

Tuy vậy, việc có điều chỉnh giá điện hay không thì không chỉ chỉ căn cứ vào giá thành điện mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết thêm, năm 2019, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc đạt khoảng 2,1 tỷ kWh, từ Lào đạt 1,1 tỷ kWh. Năm 2020, ước tính vẫn nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng sẽ ở khoảng hơn 2 tỷ kWh và hơn 1 tỷ kWh nhập từ Lào.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%. Tuy nhiên, khoản chi phí như tỷ giá hiện chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.

Cụ thể, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng được treo lại. Lãnh đạo EVN cũng cho biết, về nguyên tắc tỷ giá tăng phải đưa vào giá điện . Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Hà Nội ô nhiễm nặng, EVN nói gì trước nghi ngờ “thủ phạm” là bụi nhiệt điện?

Sắp phải mua 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, hơn 3.000 tỷ đồng chờ tính vào giá điện - 3

Một số ý kiến cho rằng, nhiều khả năng nhà máy điện than là “thủ phạm” đóng góp lớn vào mức độ ô nhiễm không khí ở thủ đô

Chất lượng không khí ở các thành phố lớn những ngày qua liên tục ở ngưỡng rất xấu, gây báo động nghiêm trọng đối với sức khoẻ.

Một số chuyên gia cho biết ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ nhiều lĩnh vực và phần lớn đến từ các hoạt động bên ngoài Hà Nội. Trong đó, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng nhà máy điện than là “thủ phạm” đóng góp lớn vào mức độ ô nhiễm không khí ở thủ đô.

Tuy nhiên trong thông cáo vừa phát đi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại khẳng định việc ô nhiễm không khí tại Thủ đô do các nhà máy nhiệt điện phía Đông là “không chính xác”.

Theo doanh nghiệp này, có thể dễ nhận thấy chỉ có khu vực TP Hà Nội có chỉ số bụi xấu, còn lại các tỉnh thành phố khác ở phía Bắc, thậm chí gần về phía các nhà máy nhiệt điện hơn nhưng đều không có chỉ số bụi xấu.

Các ngày Hà Nội ô nhiễm thì có điều kiện khí tượng không thuận lợi cụ thể: đêm và ngày không có mưa, lặng gió (tốc độ gió thấp từ 0.1-2m/s), hướng gió không cụ thể (gió quẩn), ban ngày trời nắng, nền nhiệt tăng cao về đêm trời dịu mát nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố.

Với điều kiện lặng gió, hướng gió quẩn, nhiệt độ cao, sương mù bao phủ thành phố, EVN khẳng định, gần như không thể xuất hiện sự đóng góp ô nhiễm bụi (ngoại xâm) của các nhà máy nhiệt điện từ phía Đông ở khoảng cách 60-200km.

Ninh Bình bác thông tin “đặc sản thịt chó” đóng hộp gây tranh cãi

Sắp phải mua 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, hơn 3.000 tỷ đồng chờ tính vào giá điện - 4

Hình ảnh về những hộp "Đặc sản thịt chó" gây tranh cãi trên mạng

Gần đây trên các trang mạng lan truyền hình ảnh về thịt chó đóng hộp sản xuất tại Ninh Bình gây nhiều tranh cãi. 

Theo hình ảnh, những chiếc hộp có in bao bì “Đặc sản thịt chó” được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bao bì này còn ghi rõ loại thịt chó đóng hộp này được sản xuất tại Nhà máy đồ hộp Ninh Bình. 

Sáng 20/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình khẳng định, không có việc cấp phép cũng như bán thịt chó đóng hộp tại Ninh Bình. 

“Sở không cấp phép cho cơ sở nào sản xuất thịt chó đóng hộp. Trên địa bàn cũng không có cửa hàng hay siêu thị nào bán sản phẩm này”, ông Kiên nói. 

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình, Sở không vào cuộc kiểm tra thông tin này vì không có căn cứ. “Trên địa bàn không có sản phẩm đó, cũng không cấp sản xuất sản phẩm đó”, ông Kiên khẳng định thêm. 

Thêm một vụ thâu tóm “thần tốc”: Vinamilk đã kiểm soát Sữa Mộc Châu?

Sắp phải mua 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, hơn 3.000 tỷ đồng chờ tính vào giá điện - 5

Vinamilk nắm quyền kiểm soát Sữa Mộc Châu có thể là thương vụ "khủng" khép lại năm 2019?

Trên thị trường chứng khoán ngày 18/12, thanh khoản sàn HSX tăng đột biến lên 323,4 triệu đơn vị tương ứng 6.702,99 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ giao dịch thoả thuận “khủng” tại cổ phiếu GTN của GTNFoods, đơn vị đang sở hữu các thương hiệu lớn như Sữa Mộc Châu, Vang Đà Lạt…

Mặc dù chỉ khớp lệnh gần 724 nghìn cổ phiếu (giá trị xấp xỉ 16 tỷ đồng), song GTN lại được giao dịch theo phương thức thoả thuận đến 78,92 triệu đơn vị tương ứng giá trị 1.799 tỷ đồng.

Tuy không rõ bên mua, bên bán nhưng nhà đầu tư có thể dễ dàng đoán ra các giao dịch này có liên quan đến thương vụ Vinamilk mua vào cổ phần GTN trong lộ trình thâu tóm Sữa Mộc Châu. Đầu tuần này, GTNFoods đã triệu tập phiên họp ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án cho phép Vinamilk nâng sở hữu lên 75% vốn tại GTNFoods mà không cần chào mua công khai.

Tính đến 6/11, Vinamilk sở hữu gần 108 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,17% vốn GTNFoods. Cổ đông lớn thứ 2 của GTNFoods là Invest Tây Đại Dương trước đó cũng đã bán tổng cộng hơn 36 triệu cổ phiếu GTN, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 28,52% còn 14% vốn điều lệ.

Trong phiên hôm bất thường diễn ra ngày 16/12, GTNFoods cũng thống nhất sẽ chuyển nhượng toàn bộ 99,99% vốn CTCP Nông nghiệp GTN (GTNFarm) với giá 490,5 tỷ đồng. Đồng thời, bán 99,95% vốn Công ty Khai thác Tài sản GTNFoods với giá 235,5 tỷ đồng và bán 100% vốn Công ty Hàng Tiêu dùng GTNFoods giá 8 tỷ đồng.

Mai Chi (tổng hợp)