Giá điện mới chờ “cõng” hơn 3.000 tỷ đồng tiền chênh lệch tỷ giá

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhiều nhà máy phát điện trước đây khi xây dựng huy động nguồn vốn ngoại tệ để thực hiện, nhiều dự án chưa trả hết nợ nên sẽ ảnh hưởng vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Giá điện mới chờ “cõng” hơn 3.000 tỷ đồng tiền chênh lệch tỷ giá - 1
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết mỗi kWh điện, EVN chỉ lãi 4 đồng.


Hơn 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa có nguồn thanh toán

Theo thông tin được đưa ra tại buổi công bố bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284 tỷ đồng.

Số tiền này bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017. Kết quả, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, khoản chi phí như tỷ giá hiện chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.

Cụ thể, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng được treo lại.

Trả lời câu hỏi khoản tỷ giá này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với giá điện thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay chưa có nguồn thanh toán cho khoản chênh lệch tỷ giá này. Hiện EVN đang phải cân đối các chi phí.

"Chúng tôi đang chờ phương án giá điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì mới có nguồn để trả khoản 3.090 tỷ đồng. Do hiện nay chưa có phương án giá điện mới nên phải treo lại, chưa có nguồn thanh toán", ông Nam cho biết.

Lãnh đạo EVN cũng cho biết, về nguyên tắc tỷ giá tăng phải đưa vào giá điện. Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng giải thích thêm, khoản treo lại chưa hạch toán vào đâu. Thời gian tới, khi có quyết định mới sẽ hạch toán vào. Đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến giá thành điện trong thời gian tới.

Theo ông Vượng, chi phí phát điện chiếm 70-75% giá thành. Giá phát điện là hơn 1.300 /kWh. Rất nhiều nhà máy phát điện trước đây khi chúng ta xây dựng thì huy động nguồn ngoại tệ để thực hiện, nhiều dự án chưa trả hết nợ nên sẽ bị ảnh hưởng vào giá thành.

Huy động chạy dầu khiến EVN lỗ, Uỷ ban quản lý vốn có chấp nhận?

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết: Tổng sản lượng điện chạy dầu năm 2019 1,7 tỷ kWh, năm 2020 thì dự kiến huy động 3,4 tỷ kWh.

Con số này theo ông Tuấn, được Bộ Công Thương phê duyệt từ căn cứ thực tế năm 2019, tốc độ dự kiến năm 2020, nhu cầu sử dụng điện ước tính.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, con số này thực tế có thể thay đổi khi thời tiết quá nắng nóng, phụ tải tăng đột biến, hồ thuỷ điện kém nữa thì nhu cầu huy động dầu phải cao hơn.

Về sản lượng điện nhập khẩu, ông Tuấn cho biết, năm 2019 nhập từ Trung Quốc là 2,1 tỷ kWh, Lào là 1,1 tỷ kWh. Năm 2020 dự kiến nhập tương đương khoảng như năm 2019.

Trả lời câu hỏi việc huy động dầu có ảnh hưởng tài chính của EVN, ông Tuấn khẳng định rõ ràng đây là yếu tố quan trọng. Giá thành sản xuất từ dầu cao hơn rất nhiều so với nhiệt điện than, thuỷ điện, điện khí.

Tuy nhiên ông Tuấn cho biết, nguồn điện giá cao từ chạy dầu chỉ huy động khi cần thiết, ưu tiên các nguồn rẻ trước.

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Công Thương chỉ đạo doanh nghiệp chủ động đảm bảo nguồn cung than. Trong tình hình nguồn than trong nước không đủ ổn định thì được phép dùng nguồn than nhập khẩu.

“Hiện nay một số nhà máy hoàn toàn dùng than nhập khẩu. Một số nhà máy điện nhập khẩu than về trộn với than trong nước để đáp ứng nhu cầu”, ông Tuấn cho hay.

Với sản lượng điện dự kiến 132 triệu kWh thì tổng số than ước tính sử dụng à 66 triệu tấn, trong đó hơn 50 triệu tấn trong nước, còn lại nhập khẩu.

Trả lời câu hỏi huy động chạy dầu khiến EVN lỗ, Uỷ ban quản lý vốn tại nhà nước có chấp nhận, đại diện đến từ cơ quan này khẳng định: Yêu cầu Thủ tướng là phải đảm bảo cung cấp điện phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân. Tất cả các đơn vị liên quan đều thực hiện.

Theo vị này, tất cả đều phải tuân theo nguyên tắc hệ thống điện quốc gia. Đối với việc bảo toàn nguồn vốn, Uỷ ban quản lý vốn sẽ làm việc với EVN để cân đối, làm sao thực hiện tốt nhất, tối ưu hoá chi phí.

Nguyễn Mạnh

Giá điện mới chờ “cõng” hơn 3.000 tỷ đồng tiền chênh lệch tỷ giá - 2