Thêm một vụ thâu tóm “thần tốc” vào hôm qua: Vinamilk đã kiểm soát Sữa Mộc Châu?
(Dân trí) - Mặc dù chỉ khớp lệnh gần 724 nghìn cổ phiếu song GTN lại được giao dịch theo phương thức thoả thuận đến 78,92 triệu đơn vị tương ứng giá trị 1.799 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là thương vụ mua vào của Vinamilk ngay sau khi cổ đông GTNFoods đã đồng ý để Vinamilk nâng sở hữu lên 75% vốn tại GTNFoods mà không cần chào mua công khai.
Rung lắc suốt phiên hôm qua (18/12), chỉ số VN-Index rốt cuộc đóng cửa với mức giảm 2,9 điểm tương ứng 0,3% còn 951,13 điểm. Trong khi đó, HNX-Index kết thúc gần như ở mức thấp nhất phiên với mức giảm sâu 1,09 điểm tương ứng 1,06% còn 101,8 điểm.
UPCoM-Index cũng giảm nhẹ 0,03 điểm tương ứng 0,05% còn 55,3 điểm dù phần lớn thời gian trong phiên diễn biến trên đường tham chiếu.
Thanh khoản vẫn đạt cao trên HSX với khối lượng giao dịch “khủng 323,4 triệu đơn vị tương ứng 6.702,99 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 27,18 triệu cổ phiếu tương ứng 202,55 tỷ đồng và con số này trên thị trường UPCoM là 6,35 triệu cổ phiếu tương ứng 76,34 tỷ đồng.
Hôm qua, thị trường có sự phân hoá đáng kể trong nhóm cổ phiếu lớn. Nếu như VNM, VCB, BID tăng giá khá mạnh và ảnh hưởng tích cực đến VN-Index thì ngược lại, GAS, VHM lại sụt giảm và tạo gánh nặng cho chỉ số chính.
Cụ thể, VNM tăng 1.500 đồng, VCB tăng 1.400 đồng, lần lượt đóng góp 1,51 điểm và 0,76 điểm cho VN-Index. Ngoài ra, BID, BVH, MSN cũng có diễn biến tích cực.
Ngược lại, GAS giảm 2.000 đồng, VHM giảm 1.600 đồng, lần lượt gây thiệt hại 1,11 điểm và 1,56 điểm cho chỉ số. Chưa kể,VRE, HPG, MWG, HVN giảm cũng tác động đáng kể đến diễn biến VN-Index hôm qua.
Nhìn một cách tổng quan, độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía các mã giảm giá. Nhóm mã giảm có 351 mã và 32 mã giảm sàn, lấn át số mã tăng là 259 mã và 41 mã tăng trần.
Về mặt thanh khoản, sở dĩ hôm qua khối lượng và giá trị giao dịch bật tăng vọt trên HSX đó là do giao dịch thoả thuận “khủng” tại cổ phiếu GTN của GTNFoods, đơn vị đang sở hữu các thương hiệu lớn như Sữa Mộc Châu, Vang Đà Lạt…
Mặc dù chỉ khớp lệnh gần 724 nghìn cổ phiếu (giá trị xấp xỉ 16 tỷ đồng), song GTN lại được giao dịch theo phương thức thoả thuận đến 78,92 triệu đơn vị tương ứng giá trị 1.799 tỷ đồng.
Tuy không rõ bên mua, bên bán nhưng nhà đầu tư có thể dễ dàng đoán ra các giao dịch này có liên quan đến thương vụ Vinamilk mua vào cổ phần GTN trong lộ trình thâu tóm Sữa Mộc Châu. Đầu tuần này, GTNFoods đã triệu tập phiên họp ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án cho phép Vinamilk nâng sở hữu lên 75% vốn tại GTNFoods mà không cần chào mua công khai.
Tính đến 6/11, Vinamilk sở hữu gần 108 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,17% vốn GTNFoods. Cổ đông lớn thứ 2 của GTNFoods là Invest Tây Đại Dương trước đó cũng đã bán tổng cộng hơn 36 triệu cổ phiếu GTN, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 28,52% còn 14% vốn điều lệ.
Trong phiên hôm bất thường diễn ra ngày 16/12 vừa qua, GTNFoods cũng thống nhất sẽ chuyển nhượng toàn bộ 99,99% vốn CTCP Nông nghiệp GTN (GTNFarm) với giá 490,5 tỷ đồng. Đồng thời, bán 99,95% vốn Công ty Khai thác Tài sản GTNFoods với giá 235,5 tỷ đồng và bán 100% vốn Công ty Hàng Tiêu dùng GTNFoods giá 8 tỷ đồng.
Cổ phiếu GTN hôm qua tăng 950 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng 4,4% lên 22.550 đồng/cổ phiếu.
Về triển vọng thị trường chung, Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, Vn-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 946-951 điểm trong những phiên còn lại của tuần.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng, phiên hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 12 nên không loại trừ khả năng các cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ có biến động mạnh vào cuối phiên và gián tiếp tác động đến diễn biến chung của thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động cơ cấu của các quỹ ETFs trong phiên cuối tuần cũng sẽ là một sự kiện đáng chú ý có thể tạo ra biến động khó lường cho thị trường.
BVSC kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến ổn định trở lại sau khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs qua đi. Trong kịch bản thị trường giữ được vùng hỗ trợ 946-951 điểm, Vn-Index có thể hồi phục tăng điểm trở lại và hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 970-975 điểm.
Mai Chi