Room tín dụng 2021: "Thấp lắm, đừng đưa tên ngân hàng vào"

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Trao đổi về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước vừa cấp, đại diện một ngân hàng cổ phần tư nhân bày tỏ thái độ thất vọng và nói "thấp lắm, đừng đưa tên ngân hàng vào".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.

Hiện các ngân hàng đã được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm đợt một. Tiêu chí để xét duyệt tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu linh hoạt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các ngân hàng thương mại Nhà nước được cấp room tín dụng năm nay ở mức 6-7,5%, cá biệt có ngân hàng được giao 10,5%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 8,5-9,5%; một số ngân hàng được cấp ở mức 10,5-12%.

Theo đánh giá của một số ngân hàng, mặt bằng room tín dụng hiện được Ngân hàng Nhà nước cấp thấp hơn so với năm trước.

Đề cập tới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vừa nhận được, đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bày tỏ thái độ thất vọng và nói: "thấp lắm, đừng đưa tên ngân hàng vào".

Room tín dụng 2021: Thấp lắm, đừng đưa tên ngân hàng vào - 1

Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12% (ảnh minh họa).

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Kịch bản 1, nếu dịch Covid-19 tại Việt Nam dừng ngay trong quý 1 và tiêm chủng vắc xin đại trà thì tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14%.

Còn kịch bản 2 là trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6 mới kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vắc xin thì tín dụng có thể tăng khoảng 10-12%.

Kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trong thời gian chờ tính toán mục tiêu cả năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng có thể thực hiện hoạt động cho vay, chứ không thay đổi chính sách cấp tín dụng theo quý mà vẫn thực hiện cách thức thông thường, cấp hạn mức tín dụng theo năm cho các ngân hàng.

Tính đến ngày 17/3, tín dụng tăng 1,2%, cả quý 1 ước tăng 2% so với cuối năm trước. Con số này cao hơn quý 1/2020 ở mức 0,68%.

Trong 3 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng vào đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có đợt nới room lần hai vào nửa cuối năm tùy vào tình hình thực tế và độ tín nhiệm của mỗi ngân hàng. 

Theo ước tính của Công ty chứng khoán Vndirect, hiện tín dụng của nhiều ngân hàng tăng trưởng khá tích cực.

Chẳng hạn như ACB, đến hết quý 1 tăng trưởng tín dụng có thể đạt 3,5%, cao hơn nhiều mức tăng 2,3% của cùng kỳ 2020. Tương tự tại VPBank, tín dụng có thể tăng 3,9% trong quý đầu năm, tăng 1,3 điểm % so với cùng kỳ.

Đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng quý 1 của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng được dự báo sẽ khả quan hơn nhiều so với năm trước. Chẳng hạn như BIDV và VietinBank, tăng trưởng tín dụng quý 1 dự kiến đạt lần lượt là 2,7% và 2,6%; trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng tín dụng của cả hai ngân hàng này đều âm, tương ứng là -1% và -1,2%.

Trong báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới đây của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống năm 2021 trong khoảng từ 13-14%. Cơ sở nhận định nêu trên của SSI Research là sự phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc xin Covid-19 thành công; sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang nợ vay ngân hàng và việc tái khởi động tài chính tiêu dùng.

Khảo sát từ Vụ Dự báo thống kê cũng cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp quay trở lại nhịp kinh doanh…

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 cải thiện hơn so với năm trước ở mức từ 12-13%, do các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ phục hồi mạnh hơn; cùng với đó là khả năng chống chịu các cú sốc của các ngân hàng ngày càng tốt hơn.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Ðào Minh Tú từng cho biết, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

"Ðặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa và Ngân hàng Nhà nước định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Ðồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng" - Phó Thống đốc Ðào Minh Tú nhấn mạnh.