Tăng trưởng tín dụng 2021: 3 kịch bản của Ngân hàng Nhà nước
(Dân trí) - Do diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp nên Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021.
Kịch bản 1, nếu dịch Covid-19 tại Việt Nam dừng ngay trong quý 1 và tiêm chủng vắc xin đại trà thì tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14%.
Còn kịch bản 2 là trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6 mới kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vắc xin thì tín dụng có thể tăng khoảng 10-12%.
Kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.
Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trong thời gian chờ tính toán mục tiêu cả năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng có thể thực hiện hoạt động cho vay, chứ không thay đổi chính sách cấp tín dụng theo quý mà vẫn thực hiện cách thức thông thường, cấp hạn mức tín dụng theo năm cho các ngân hàng.
Trong tháng 3 này, Ngân hàng Nhà nước công bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm và tinh thần xoay quanh mức 12-13%.
Đại diện một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng xác nhận đã nhận được chỉ tiêu tạm thời về tăng trưởng tín dụng.
Theo ước tính của Công ty chứng khoán Vndirect, hiện tín dụng của nhiều ngân hàng tăng trưởng khá tích cực.
Chẳng hạn như ACB, đến hết quý 1 tăng trưởng tín dụng có thể đạt 3,5%, cao hơn nhiều mức tăng 2,3% của cùng kỳ 2020. Tương tự tại VPBank, tín dụng có thể tăng 3,9% trong quý đầu năm, tăng 1,3 điểm % so với cùng kỳ.
Đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng quý 1 của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng được dự báo sẽ khả quan hơn nhiều so với năm trước. Chẳng hạn như BIDV và VietinBank, tăng trưởng tín dụng quý 1 dự kiến đạt lần lượt là 2,7% và 2,6%; trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng tín dụng của cả hai ngân hàng này đều âm, tương ứng là -1% và -1,2%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được đặt ra ở mức 12%. Theo đánh giá của giới chuyên gia, với triển vọng nền kinh tế sẽ hồi phục tích cực trong năm nay khi đã có vắc xin, kéo theo sức cầu tiêu dùng và nhu cầu vay vốn đang tăng nhanh trở lại, hầu hết dự báo cho thấy tăng trưởng tín dụng có thể đạt từ 14-15%.
Do đó, thời gian tới rất có thể các ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay bởi đây vẫn là giải pháp quan trọng kích thích nhu cầu vay vốn doanh nghiệp để mở rộng sản xuất - kinh doanh, tận dụng cơ hội khi nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi. Trong tình thế này, những ngân hàng nào có được nguồn vốn đầu vào giá rẻ tốt hơn sẽ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh về giá cả cho vay.
Tuy nhiên theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, lãi suất cho vay hiện không phải là mấu chốt của tăng trưởng tín dụng. Vấn đề hiện nay là làm sao để đẩy mạnh kích cầu, bởi nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn, hoặc do dịch bệnh họ trì hoãn thêm.
Trên thực tế hiện mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp, thậm chí nhiều ngân hàng còn cắt giảm thêm lãi suất; tuy nhiên tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng, bởi vì sức cầu vẫn yếu do diễn biến dịch bệnh trong vài tháng qua còn phức tạp.
Dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần qua giảm so với mức lãi suất tuần trước đó, với lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,33%/năm, 0,51%/năm và 0,76%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần dao động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,1%/năm, 0,12%/năm và 0,11%/năm.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 512.227 tỷ đồng, bình quân 104.245 tỷ đồng/ngày, giảm 43.578 tỷ đồng/ngày so với tuần 22/2 - 26/2; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 147.241 tỷ đồng, bình quân 29.448 tỷ đồng/ngày, giảm 1.235 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Tính theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (72% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 01 tuần (11% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 77% và 8%.