Hốt hoảng "sập bẫy" tín dụng đen, lãi suất "cắt cổ" 300%
(Dân trí) - Tín dụng đen tiếp tục hoành hành tại TPHCM khiến cuộc sống của những người "sập bẫy" gặp nhiều lao đao, áp lực. Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã tìm mọi cách để "dập" loại hình này.
"Sập bẫy" tín dụng đen
Anh T.C.M (ngụ quận Tân Phú) cho biết, anh đã từng vô cùng áp lực khi "dính" vào tín dụng đen.
Theo anh M., cách đây 1 tháng, mẹ anh bị ốm nặng nên anh cần một số tiền gấp để chữa bệnh cho mẹ. Trên đường đi làm, anh nhận được một tờ rơi cho vay vốn của người phát tờ rơi. Vì cần tiền gấp nên anh đã liên hệ với số điện thoại ghi trên tờ rơi để vay vốn.
"Tôi cần gấp 20 triệu đồng nên gọi cho họ để vay. Họ yêu cầu tôi đưa hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Sau khi đưa 20 triệu đồng cho tôi thì ngày hôm sau, họ đã lấy tiền gốc và lãi 1 triệu đồng/ngày. Tôi phải đóng liên tục 24 ngày liền để hết cả gốc lẫn lãi, mỗi ngày là 1 triệu đồng", anh M. nói.
Cũng theo anh M., sau tuần đầu tiên anh đóng tiền đúng hạn thì đến tuần thứ hai anh bị trễ hẹn do không xoay sở kịp. Tuần đó, anh bị nhiều người gọi điện thoại đe dọa. Một số thanh niên lạ mặt đã đến nhà anh gây áp lực và đòi tiền. Sợ quá, gia đình anh M. đã tức tốc đi vay mượn người thân để "thoát" khỏi tín dụng đen.
Tại một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), gia đình chị V.T.K.T vẫn chưa hết bàng hoàng khi hàng loạt tờ rơi ghi nội dung "Cảnh cáo lần cuối cùng - Hãy tự giác trả nợ" được rải khắp con hẻm nơi gia đình chị T. sinh sống.
"Yêu cầu ông bà và gia đình hợp tác thanh toán, tránh những tác động không cần thiết. Trường hợp không có ý thức trả nợ, mọi hậu quả về sau tự gánh, chúng tôi không đảm bảo", tờ rơi ghi rõ.
Chị T. chia sẻ, gia đình chị đang cố gắng hoàn trả lại số tiền đã vay vì quá áp lực.
"Chúng tôi "cạch" tín dụng đen đến già và không bao giờ dám dây dưa với những đối tượng này thêm một lần nào nữa", chị T. nói.
Dịp cận Tết nguyên đán, nhu cầu vay tiền của người dân cũng tăng mạnh. Chính vì vậy, đây cũng là dịp để tín dụng đen hoành hành. Tại một số tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Lý Thường Kiệt (quận 10), Trường Chinh (quận Tân Bình)… xuất hiện rất nhiều tờ rơi "vay vốn trả góp", "cho vay không lãi suất", "vay tiền nhanh"…
Từ một tờ rơi dán trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), trong vai người có nhu cầu vay vốn, chúng tôi liên hệ với số điện thoại 0877.55xxxx.
Nghe điện thoại là một người đàn ông nói giọng miền Bắc. Người đàn ông cho biết, muốn vay tiền cần có hộ khẩu tại căn nhà đang ở, tức phải có hộ khẩu ở TPHCM và chứng minh nhân dân. Mọi hình thức tạm trú đều không được chấp nhận vay.
Chúng tôi ngỏ ý muốn vay 10 triệu đồng để dùng trong dịp Tết. Người đàn ông cho biết, muốn vay 10 triệu đồng thì thu nhập phải đạt từ 20 triệu đồng trở lên. Sau khi vay, mỗi ngày phải đóng gốc và lãi là 500.000 đồng, đóng liên tục 24 ngày.
Như vậy, sau khi vay 10 triệu đồng, 24 ngày sau, người vay phải trả cả gốc lẫn lãi là 12 triệu đồng, tức lãi suất 20%/24 ngày (khoảng 25%/tháng, 300%/năm). Lãi suất này gấp từ 25 - 30 lần so với lãi suất của các ngân hàng hiện nay.
"Dập" tín dụng đen bằng cách nào?
Theo Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), để "dập" tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo đơn vị này phối hợp với các ngân hàng cung cấp thẻ chip tín dụng nội địa và thẻ chip trả trước nội địa.
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam - cho biết, thẻ chip tín dụng nội địa do các ngân hàng, công ty tài chính Việt Nam phát hành đang góp phần từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm thẻ chip ghi nợ nội địa của 7 ngân hàng đầu tiên vào tháng 5/2019, đến nay đã có 38 ngân hàng thực hiện chuyển đổi thẻ chip nội địa và nâng cấp, chuyển đổi hạ tầng chấp nhận thẻ chip trên các thiết bị ATM/POS.
NHNN yêu cầu các đơn vị liên quan, nghiên cứu triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc triển khai "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế được hưởng những tiện ích thanh toán điện tử", đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững cho nền kinh tế.
NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tài chính cần phải luôn chú trọng và đẩy mạnh triển khai các biện pháp an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn bảo mật để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ tấn công, xâm nhập, đánh cắp dữ liệu trên môi trường mạng.