Rau thịt giảm sâu, hàng ăn vẫn hét giá
Nguồn cung dồi dào, giá thực phẩm, rau xanh giảm mạnh từ trại nuôi trồng tới chợ, người nông dân thì lỗ nặng, song nghịch lý là dịch vụ ăn uống vẫn “ổn định” ở mức giá trên trời.
Giá thực phẩm giảm mạnh
Khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây, các loại thực phẩm đang có xu hướng giảm giá mạnh từ 1.000-10.000 đồng tùy loại và đứng ở mức giá rất thấp.
Theo tiểu thương tại các chợ đầu mối Phùng Khoang, Dịch Vọng, do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm mùa nắng nóng giảm nên mức giá mới xuống mạnh như vậy. Đã vậy, hàng vẫn ế ẩm khó bán hơn trước rất nhiều, nhất là vào những ngày nắng nóng gay gắt.
Ghi nhận tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy), các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... giá giảm khá mạnh do không được chuộng vào mùa nóng. Hiện các loại thịt lợn như ba chỉ, mông, vai, chân giò... chỉ 70.000-75.000 đồng/kg, thịt nạc thăn 85.000 đồng/kg, sườn loại một 90.000 đồng/kg, loại hai còn 40.000 đồng/kg.
Các loại thịt gà công nghiệp như: cánh gà, đùi gà, gà nguyên con... giá cũng giảm khoảng 5.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, gà công nghiệp nguyên con 45.000 đồng/kg, đùi 47.000 đồng/kg, lườn 35.000 đồng/kg, cánh 60.000 đồng/kg.
Trong khi đó, so với trước khi nắng nóng, nhiều loại rau quả giải nhiệt trên thị trường đợt này giá cũng giảm theo. Hiện, bầu giảm 2.000 đồng, xuống còn 6.000 đồng/quả; bí xanh giảm 3.000 đồng, xuống còn 4.000 đồng/kg; rau ngót, mùng tơi giá giảm một nửa còn 1.000 đồng/mớ; rau đay, rau dền 1.500 đồng/mớ... Chanh là loại quả được sử dụng nhiều nhất trong mùa hè giá nay cũng chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.
Tương tự, các loại rau khác như rau muống 2.500 đồng/mớ, giảm 1.000 đồng/mớ; cải xanh giá 1.500 đồng/mớ; rau su su 7.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg, đậu đỗ 8.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg...
Theo chị Trần Thị Tuyết, tiểu thương chợ Cổ Nhuế, đây là giá bán lẻ thấp nhất trong những năm gần đây, giá rẻ và giữ được một thời gian khá dài. Vào tầm này năm trước hiếm mới có loại rau bán với giá 2.000 đồng/mớ chứ đừng nói bán với giá 1.000 đồng/mớ hay 1.500 đồng/2 mớ như thế này.
“Còn so với hồi đầu năm, trung bình giá rau xanh các loại hiện giờ giảm chỉ bằng 1/3”, chị Tuyết nói.
Hàng ăn lại chỉ tăng giá
Đáng lý ra, giá thực phẩm, rau củ quả trên thị trường giảm thì giá dịch vụ ăn uống cũng phải giảm tương ứng, song hầu hết các hàng quán từ ăn sáng tới cơm bình dân, nhà hàng... lại không hề có khái niệm “giảm giá theo thị trường”. Họ vẫn mặc sức tăng, khách hàng vẫn phải móc tiền trả cho những món đồ ăn với giá cao ngất trong khi giá đầu vào chẳng đáng là bao.
Còn nhớ mỗi lần điều chính giá xăng tăng khiến thực phẩm tăng theo giá xăng, hàng quán ăn uống lại ồ ạt nhảy giá nhanh đến mức chóng mặt với lý do nguyên liệu đầu vào tăng. Còn khi xăng giảm giá, thực phẩm giảm theo thì hàng quán vẫn giữ giá “ổn định”, không có động thái giảm giá.
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở Đại Kim (Hoàng Mai, HN) chia sẻ: “Đi ăn hàng nhiều, từ quán vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, chỗ nào cũng đến cả nhưng chưa thấy bao giờ có chuyện món ăn giảm theo giá thực phẩm ngoài chợ”. Anh kể, tuần trước có đi ăn cùng bạn tại một quán ăn vỉa hè gần nhà. Bốn người gọi một đĩa thịt ngan luộc lèo tèo vài miếng với mấy chai bia ngồi nhậu lai rai, khi đứng lên bà chủ tính tiền riêng đĩa thịt ngan đã 350.000 đồng.
“Thắc mắc khi thịt gà, vịt dạo gần đây giảm giá rất mạnh, tại chợ gà vịt làm sẵn giá chỉ mấy chục ngàn đồng một cân thì được bà chủ này giải thích rằng bà nhập ngan loại to, một đĩa mất nửa con rồi nên giá phải vậy”, anh Tuấn bức xúc.
Không chỉ có vậy, chị Thu Thủy ở Quan Hoa (Cầu Giấy) cũng than thở bởi kiểu nhà hàng, quán ăn hình như chỉ biết tăng giá. Chị nói, mới đầu tuần vào một nhà hàng ở đường Nguyễn Phong Sắc ăn cùng với gia đình, xem thực đơn thấy món nào cũng đắt, nhất là rau xanh. Chị Thủy kể, ngày nào mình cũng đi chợ mua đồ ăn, rau mùng tơi toàn 1.000-2.000 đồng/mớ, rau su su chưa đến 10.000 đồng/kg. Một kg rau su su xào được 2 đĩa đầy mà vào ăn nhà hàng vẫn cứ phải trả 30.000 đồng/đĩa, mùng tơi giá cũng tương tư. Mỗi đĩa thì được vài cái gắp là hết. “Nếu lúc rau đắt mà ăn với giá này còn chấp nhận được, giờ giá rau rẻ thế mà vào nhà hàng vẫn bị hét cứ như món đặc sản, gấp cả hai chục lần so với giá ngoài chợ”.
Ngay cả với cơm bình dân, bún, phở sáng... cũng vài tháng tăng một lần với lý do giá thực phẩm tăng. Trong khi đó, từ đầu năm tới giờ giá thực phẩm đã liên tục giảm.
Khi đặt vấn đề này với chủ một nhà hàng trên đường Nguyễn Phong Sắc, vị này giải thích “rất khó có thể giảm theo giá ngoài chợ được bởi giá cả hay thay đổi, nay giảm, mai lại tăng ngay lập tức trong khi mỗi lần tăng giá đồ ăn cũng phải có thời gian tính toán sao cho hợp lý. Mặt khác, tiền công lao động, tiền chi phí điện nước vẫn tăng đều đặn”.
Theo Bảo Hân
VietnamNet