Giảm phát trở lại trong tháng 5

(Dân trí) - Mặc dù mục tiêu kiềm lạm phát cả năm dưới 6,8% có thể thành công song giảm phát tháng 5 diễn ra giữa bối cảnh cầu tiêu dùng suy yếu, lượng doanh nghiệp phá sản vẫn còn cao, đà tăng trưởng giảm là điều đáng lưu ý.

Giá lương thực, thực phẩm duy trì mức thấp là một trong những yếu tố chính giúp đà lạm phát giảm.
Giá lương thực, thực phẩm duy trì mức thấp là một trong những yếu tố chính giúp đà lạm phát giảm.

Tổng cục Thống kê sáng nay (24/5) chính thức công bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của cả nước.

Theo đó, CPI tháng cả nước trong tháng 5 đã quay trở lại trạng thái âm với mức sụt giảm 0,06% so với tháng trước. Qua đó, khiến lạm phát tính từ thời điểm đầu năm cho đến nay dừng ở mức 2,35% trong khi mục tiêu cả năm là giữ lạm phát dưới 6,8%.

Nếu so với cùng kỳ tháng 5/2012, CPI tăng 6,36%. Năm tháng đầu năm 2013, CPI ghi nhận mức tăng 6,74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm của CPI trong tháng nay chủ yếu do giảm giá ở các nhóm hàng lương thực, thực phẩm; giao thông; nhà ở và vật liệu xây dựng trong khi chỉ số giả ở nhóm y tế không tăng đột biến dù vẫn cao.

Cụ thể, chỉ số giá ở mặt hàng lương thực giảm 0,69% và nhóm thực phẩm giảm 0,45% so tháng trước. Mức tăng tại bộ phận ăn uống ngoài gia đình 0,32% giữ chỉ số giá ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại mức âm 0,35% so với tháng 4/2013. Đây cũng là nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số giá, chiếm gần 40%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,53% và nhóm giao thông giảm 0,57% giữa bối giá nhiên liệu như gas, xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm.

Trong khi đó, chỉ số giá ở nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,58% - mức tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng hoá thuộc rổ tính giá. Dù vậy, nhóm hàng này đã hạ nhiệt so thời điểm năm ngoái. Các mặt hàng còn lại tăng nhẹ.

Nguồn: Dân trí/ GSO.
Nguồn: Dân trí/ GSO.

Nằm ngoài rổ tính giá CPI, chỉ số giá vàng tháng này tiếp tục giảm 4,62% so với tháng 4 trong khi chỉ số đô la Mỹ ghi nhận tăng 0,21%.

Trong số các thành phố lớn, duy có Thừa Thiên – Huế có CPI tăng 0,18%, còn lại đều giảm phát (Hà Nội giảm 0,22%; TPHCM giảm 0,16%; Thái Nguyên giảm 0,13% và Hải Phòng giảm 0,14%).

Như vậy, sau hai tháng đầu năm lạm phát vọt tăng trên 1% thì 3 tháng liền chỉ số CPI gần như đi ngang với 2 tháng âm (tháng 3 và tháng 5), tháng 4 tăng nhẹ.

Nếu không có rủi ro và các cú sốc bên ngoài, khả năng mục tiêu lạm phát dưới 6,8% là đạt được. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mặt trái của thành tích này là tăng trưởng theo đó cũng suy giảm.

Điểm đáng lưu ý về trạng thái lạm phát thấp ở đây một phần do sức mua của người tiêu dùng xuống thấp và tình trạng phá sản, giải thể của doanh nghiệp còn cao. Vì vậy, tuy chính sách lãi suất đã liên tục được nới lỏng song sức hấp thụ của nền kinh tế yếu.

Trao đổi với Dân trí sáng nay, TS Ngô Trí Long, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả đánh giá, lạm phát thấp giữa bối cảnh hiện nay "vừa mừng vừa lo". Ông đề xuất, nên chăng xem xét chuyển từ chính sách ổn định tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng. Ba biện pháp chính sử dụng trong chính sách này đó là giảm thuế, xoá bỏ chướng ngại cho đầu tư tư nhân và chuyển nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm