Giảm phát, doanh nghiệp vẫn “kêu trời” về chi phí đầu vào!
(Dân trí) - Dù tháng 3 cả nước ghi nhận giảm phát song lạm phát chi phí đầu vào lại tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2012. Trong khi đó, nhờ khối lượng đặt hàng lớn nên hàng tồn kho được giải phóng, sản xuất phục hồi mạnh nhất sau gần 2 năm.
Doanh nghiệp buộc phải tiết chế giá cả đầu ra để cạnh tranh trong khi giá đầu vào tăng mạnh.
Báo cáo cập nhật Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam do Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) và Markit Economics cung cấp ngày 1/4 cho thấy một nghịch lý về mặt giá cả và đầu ra của doanh nghiệp.
Theo đó, có một thực tế bất lợi đối với các doanh nghiệp đó là lạm phát chi phí đầu vào đã tăng nhanh trong tháng 3. Đây là hệ quả của sự tăng giá ở nhiều loại hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 ở mức âm 0,19%, tức ghi nhận tình trạng giảm phát song các nhà sản xuất trong nước vẫn cho biết, chi phí mua hàng đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát chi phí đầu vào đã tăng trở lại trên mức trung bình của lịch sử khảo sát – HSBC cho biết.
Thông tin khá bất ngờ đó là tại báo cáo này, HSBC cho hay, giá cả đầu ra đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2012.
Tuy nhiên, tốc độ tăng giá bán hàng vẫn thấp hơn tốc độ tăng chi phí đầu vào. Một số công ty cho rằng, điều này do các điều kiện thị trường yếu kém và mức độ cạnh tranh mạnh mẽ đã khiến doanh nghiệp phải tiết chế việc tăng giá bán hàng hóa.
Tất nhiên, nghịch lý này có thể lý giải được, bởi CPI tháng 3 giảm chủ yếu do giá lương thực thực phẩm (chiếm tới 40% tỷ trọng rổ tính giá) giảm mạnh và biên độ tăng ở nhóm thuốc và dịch vụ y tế thu hẹp đáng kể. Điều đó không có nghĩa là các mặt hàng công nghiệp không tăng giá.
Sản xuất của doanh nghiệp Việt phục hồi mạnh nhất gần 2 năm
Tin mừng trong báo cáo PMI tháng 3, đó là sản xuất của các doanh nghiệp đã phục hồi lên mức cao nhất 23 tháng.
Theo đó, chỉ số PMI đã vượt mức trung bình 50 điểm vào tháng 3, đạt mức cao của 23 tháng là 50,8 điểm. Đây là tháng hiếm hoi Việt Nam có điều kiện kinh doanh cải thiện so tháng trước.
Sản xuất của các doanh nghiệp đang phục hồi trở lại.
Mặc dù, theo đánh giá của HSBC thì tốc độ tăng của PMI vẫn khá thấp song là mức cao thứ nhì trong lịch sử thu thập dữ liệu kéo dài 2 năm của ngân hàng này.
Trong tháng 3, cả sản lượng sản xuất lẫn số lượng đơn đặt hàng mới đã phục hồi ở mức khiêm tốn. Nhóm nghiên cứu cho biết, các công ty được hưởng lợi từ sự cải thiện của thị trường trong nước nên đã tăng cường hoạt động quảng cáo và tăng nhẹ số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong thời gian tới.
Đây cũng là tháng đầu tiên có đơn hàng xuất khẩu mới tăng trong 11 tháng qua (mặc dù ghi nhận nhập siêu trở lại). Chủ yếu doanh thu xuất khẩu mới tăng trưởng gần đây là nhờ nhu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan được cải thiện.
Sức mua tăng lần thứ 2 sau 3 tháng đầu năm đã giúp giảm lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, báo cáo lần này của HSBC cũng đưa ra một tín hiệu tốt lành cho thị trường lao động, đó là lượng nhân công của tháng 3 đã tăng lần thứ 5 trong vòng 6 tháng qua do khối lượng công việc nhiều hơn.
Bích Diệp