Giảm phát 3 tháng liên tục tại Hà Nội và TPHCM

(Dân trí) - Giá thuốc và dịch vụ y tế hạ nhiệt cùng với tác động giảm giá xăng dầu, giá gas, nguồn cung lương thực dồi dào đã kiềm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả hai đầu cầu kinh tế tại mức âm tháng thứ 3 liên tiếp.

Giảm phát 3 tháng liên tục tại Hà Nội và TPHCM
Với tình trạng giảm phát tại 2 trung tâm kinh tế, dự báo CPI cả nước sẽ duy trì thấp trong tháng này.

Cục thống kê tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM đều đã báo cáo số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2013.

Cụ thể, tại Hà Nội, CPI tháng này giảm 0,22% so tháng trước và tăng 5,16% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Hà Nội giảm phát và cũng là tháng có mức giảm cao nhất từ đầu năm đến nay (tháng Ba giảm 0,21%, tháng Tư giảm 0,15%). 

Theo Cục Thống kê Hà Nội, nếu tình hình các tháng tiếp theo chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm hoặc tăng nhẹ thì CPI cả năm có thể kiểm soát được theo như kế hoạch đề ra. 

Nguyên nhân CPI giảm mạnh trong tháng này được lý giải do tác động giảm giá xăng dầu, giá gas cũng như nguồn cung lương thực dồi dào đã làm giảm chỉ số giá 2 nhóm hàng là hàng ăn - dịch vụ ăn uống và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (đây là 2 nhóm hàng có quyền số lớn trong rổ hàng hóa).
 
Chỉ số giá ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,49%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,04%; nhóm giao thông giảm 0,78% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,3%.

Trong khi đó, một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giầy dép tiếp tục tăng nhẹ 0,46% do bắt đầu vào mùa hè, nhu cầu tăng nên các mặt hàng quần áo mùa hè tiêu thụ cao hơn bình thường.

Tính chung 5 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,76% so cùng kỳ, có 10/11 nhóm hàng tăng, duy nhất có nhóm hàng Bưu chính viễn thông là giảm (giảm 0,08%).

Nằm ngoài rổ tính giá, trong tháng 5, chỉ số giá vàng giảm 5,23% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,04% so tháng trước.

Tại TPHCM, chỉ số CPI giảm 0,16% và mức tăng so với đầu năm là 0,66%. Tình trạng giảm phát chủ yếu là ở nhóm nhà ở điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, giảm 1,45%. Mặt hàng thuốc và dịch vụ y tế cũng có chỉ số giá giảm nhẹ 0,02%; nhóm giao thông giảm 0,52%; văn hoá giải trí du lịch giảm 0,09% và nhóm các loại hàng hoá dịch vụ khác giảm 0,31%.

Chỉ số giá ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống mặc dù quay đầu tăng trở lại, nhưng mức tăng không đáng kể, chỉ 0,05%. Trong đó, lương thực vẫn tiếp tục giảm 0,69%, thực phẩm tăng 0,06% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,34%.

Ở chiều ngược lại, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, thiết bị và đồ dùng gia đình, hàng may mặc mũ nón giày dép và giáo dục tăng.

Chỉ số giá vàng giảm mạnh 4,22% so với tháng trước trong khi chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,2%.

Bích Diệp