Quy định quảng cáo "gây khó": Vì sao nước ngoài vẫn làm, Việt Nam lại siết?
(Dân trí) - Một số quy định tại Nghị định 38 được chỉ ra đã lạc hậu và thành trở ngại cho báo chí, doanh nghiệp trước sức ép lớn từ đối thủ ngoại. Đã có những đề xuất tạm dừng thời gian có hiệu lực Nghị định.
Siết chặt quảng cáo vô tình tạo ra sự thiếu công bằng
Từ ngày mai (1/6), Nghị định 38 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, xây dựng Luật Quảng cáo - luật có những quy định được cho là cơ sở để xây dựng Nghị định 38 này.
Tuy nhiên, một số quy định được đưa ra tại Nghị định 38 lại được chỉ ra đã lạc hậu và sẽ trở thành trở ngại cho cơ quan báo chí, doanh nghiệp trong nước trước sức ép vô cùng lớn đối với các đối thủ ngoại.
Chẳng hạn, Khoản 2, Điều 38 Nghị định quy định phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định trên báo và trang thông tin điện tử vượt quá 1,5 giây. Tức là Nghị định yêu cầu cho phép thời lượng quảng cáo là 1,5 giây, sau đó người xem có thể nhấn nút "bỏ qua".
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia marketing Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa Quản trị, cho rằng 1,5 giây là quá nhanh và chưa thể truyền tải thông điệp gì thì đã bị tắt.
"Rất vô lý và thiệt thòi cho người trả tiền quảng cáo. Như vậy, người ta sẽ không sử dụng phương tiện truyền thông quảng cáo mà bị khống chế bởi quy định này nữa. Thay vào đó, họ sẽ tìm đến những nền tảng không kiểm soát là các kênh quảng cáo nước ngoài", ông Hòa nhận định.
Theo tìm hiểu, hiện nay Facebook, Google dẫn đầu thị phần doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng doanh thu. Giao diện của các nền tảng này hiện cho phép người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất là 5 giây.
"Việc quy định 1,5 giây như một cái "chớp mắt", báo chí trong nước, doanh nghiệp trong thiệt thòi, giảm doanh thu. Vô tình chính chúng ta lại tạo ra sự cạnh tranh sự thiếu công bằng cho chính doanh nghiệp truyền thông, cơ quan báo chí trong nước", ông Hòa nhấn mạnh.
Ngoài ra, Nghị định 38 cũng quy định phạt tiền 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng về hành vi vi phạm: "Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài". Chuyên gia Đỗ Hòa cũng cho rằng đây là sự bất cập lớn bởi xu hướng hiện nay là quảng cáo gắn với từ khóa, ngữ cảnh.
"Người đọc, người xem họ quan tâm đến nội dung gì, vấn đề gì thì sẽ xem cái đó. Việc chèn quảng cáo vào sẽ nâng cao tính hiệu quả, đồng thời nếu nhìn rộng ra, nó cũng mang lại lợi ích cho người đọc bởi có thể quảng cáo đúng thứ họ cần", ông Hòa bình luận. Vị chuyên gia quảng cáo marketing cho rằng, thời đại công nghệ số nên người làm luật cũng nên hiểu về quảng cáo từ khóa, không nên khắt khe.
Ông Hòa cũng cho biết, ở nước ngoài, quảng cáo rất thường xuyên sử dụng cách thức quảng cáo theo ngữ cảnh và đặt vấn đề "tại sao nước ngoài người ta làm được và làm rất tốt, Việt Nam lại muốn siết"?
Ông Nguyễn Trường Sơn - Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - cũng cho biết nếu quảng cáo trên báo chí của các doanh nghiệp trong nước đang bị siết chặt bởi quy định nghiêm ngặt của Nghị định 38 thì các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới lại có lợi thế vì không chịu ràng buộc này. Cơ quan quản lý Nhà nước khó xử lý sai phạm của các nền tảng này khi họ không có trụ sở tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết: "Theo thông lệ quốc tế, với báo chí miễn phí tương tự như ở Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với nội dung tin/bài và tùy biến dựa trên đối tượng đọc báo. Người đọc có quyền nhấp chuột xem hay bỏ qua nội dung quảng cáo."
Sự lạc hậu, vì đâu?
Đối chiếu giữa Nghị định 38 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP (Nghị định 158), quy định về hành vi vi phạm đối với quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử không có sự khác biệt. Có thể thấy, quy định về "tắt, mở sau 1,5 giây" không phải đến Nghị định 38 mới được ban hành.
Trả lời báo chí, một lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đúng là việc xử lý hành vi vi phạm quy định về quảng cáo không ở vùng cố định đã được quy định từ năm 2013 tại Nghị định 158 chứ không phải đến khi Nghị định 38 ban hành mới được quy định.
"Có thể thấy, việc xử lý hành vi trên tại 2 Nghị định là giống nhau, không có sự thay đổi. Nghị định 158 và Nghị định 38 là những văn bản dưới Luật, về đối tượng, hành vi và mức xử phạt đều phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính", vị này cho biết.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, sau gần 10 năm, xu hướng độc giả/người dùng đã thay đổi rất nhiều. Một chuyên gia về pháp chế VCCI cho biết, với sự phát triển của công nghệ và sự xuất hiện của các hình thức tiếp cận tin tức mới, quy định này không phù hợp và tạo ra rào cản với các cơ quan báo chí thiếu thực tiễn và đi ngược xu thế phát triển truyền thông.
"Lo ngại như của các nhà làm luật lúc soạn thảo Luật Quảng cáo hồi năm 2012 cũng có cái lý nhưng dưới sự cạnh tranh như hiện nay, thật khó để có thể cho rằng các cơ quan báo chí có thể tự ý quảng cáo thế nào cũng được. Chính cạnh tranh sẽ khiến các cơ quan báo chí phải cân nhắc giữa việc nhận quảng cáo và việc đảm bảo chất lượng nội dung cho bạn đọc, mà không cần bất kỳ quy định hạn chế nào cả", chuyên gia VCCI nhấn mạnh với Dân trí.
Còn theo chuyên gia Đỗ Hòa, chúng ta đã và đang hội nhập quốc tế rất sâu rộng nên cần phải có những điều chỉnh để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế nhưng không làm mất đi lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
"Họ có luật chơi thế nào thì mình nên theo thông lệ quốc tế. Quy định không nên tạo ra sự bất lợi báo chí truyền thông trong nước và tạo ra lợi thế cho những nền tảng nước ngoài vốn đã có lợi thế hơn so với chúng ta rất nhiều", ông Hòa nhấn mạnh.
Với lý do của cơ quan quản lý muốn đưa ra quy định để tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, các chuyên gia nhấn mạnh, báo chí trước đây có doanh thu nhờ bán báo. Còn hiện nay, đa số đều đẩy mạnh chuyển sang hình thức điện tử không thu phí người đọc mà thu từ quảng cáo để nuôi sống bộ máy. Do đó, chuyên gia cho hay phải cân bằng lợi ích các bên. Nếu báo chí không có nguồn thu thì không có nguồn lực để nâng cao chất lượng, cung cấp đến cho bạn đọc những sản phẩm xứng tầm.
Việc quản lý quảng cáo theo hướng đảm bảo chất lượng hơn là cần thiết, bảo vệ người tiêu dùng, người xem tránh những quảng cáo độc hại, sai sự thật là cần thiết. Ông Đỗ Hòa nhấn mạnh, siết quảng cáo cần hướng tới việc quản lý chất lượng thay vì những quy định gây cản trở như giới hạn 1,5 giây nêu trên.
Đứng trước một số điều được cho là bất cập tại Nghị định 38, nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan báo chí truyền thông cũng cho rằng Chính phủ cần xem xét tạm dừng thời gian có hiệu lực của Nghị định 38, hoặc tạm dừng áp dụng Điều 38 của Nghị định này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có một dự thảo nghị định khác, với cách xây dựng luật sát thực tiễn hơn.