1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hơn 10.000 tỷ đồng đang lọt túi "người ngoài", "người nhà" khó thêm khó?

An Linh Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Quy định "không cho phép thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo vượt quá 1,5 giây" tại Nghị định 38/2021 có thể khiến cho người thiệt là báo chí, nhà quảng cáo, doanh nghiệp, kể cả Nhà nước.

Báo chí, nhà quảng cáo, doanh nghiệp, Nhà nước bị thiệt

Viết cho Dân trí, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, cho rằng quy định "không cho phép thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo vượt quá 1,5 giây" tại Nghị định 38/2021 có hiệu lực từ ngày 1/6 là chưa hợp lý đối với các cơ quan báo chí.

"Nhìn qua thì quy định này có vẻ hợp lý với bạn đọc nhưng chưa hợp lý với doanh nghiệp. Họ sẽ chuyển quảng cáo từ báo chí sang nền tảng như YouTube vì ở đây, quảng cáo của họ được kéo dài 5 giây hoặc hơn, thậm chí có thể "bắt" người dùng xem hết với những video quảng cáo ngắn", ông Vinh nói.

Đại diện Le Group cho rằng, với quy định trên, người bị thiệt là báo chí và nhà quảng cáo, doanh nghiệp trong nước và kể cả Nhà nước. Người lợi lại là các ông lớn như Google, Facebook, các nhà phát hành game và các ứng dụng OTT.

Hơn 10.000 tỷ đồng đang lọt túi người ngoài, người nhà khó thêm khó? - 1

Ông Lê Quốc Vinh là Chủ tịch Le Group, chuyên gia truyền thông, người có kinh nghiệm hơn 25 năm trên thị trường truyền thông và quảng cáo Việt Nam.

Theo ông Vinh, tổng doanh thu của báo điện tử Việt Nam mỗi năm chỉ trên 4.000 tỷ đồng trong khi tổng chi phí quảng cáo trực tuyến khoảng 14.500 tỷ đồng. Phần chênh lệch hơn 10.000 tỷ đồng đang rơi vào túi "người ngoài" là các tập đoàn xuyên biên giới. Quy định pháp lý như Nghị định 38 mới đây càng khiến "miếng bánh" đã bé dễ bị chia thêm cho các ông lớn hơn.

Thêm nữa, hình thức xử phạt với các vi phạm trên báo in cũng rất cao so với thực tế khả năng thu của báo chí. "Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tôi xin phép không đề cập đến, vì các vi phạm này trên thực tế là rất khó xảy ra, trong xu hướng ngày càng suy thoái của báo chí in", ông nói.

Thu nhập từ quảng cáo của báo chí: Khó càng thêm khó

Theo ông Lê Quốc Vinh, Bộ Thông tin Truyền thông thấy rõ thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước ngày càng bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh bất bình đẳng, không chung một luật chơi với các nền tảng xuyên biên giới.

Cơ quan này đang nỗ lực nhiều cách để cải thiện sự công bằng trên bức tranh quảng cáo số tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc Nghị định 38 ra đời với một số quy định bóp nghẹt quảng cáo trên báo chí vô hình trung càng tạo thêm lợi thế cho các Big Tech như Google, Facebook.

Tại Nghị định này, ông Vinh cho rằng tại Khoản 2, Điều 38 quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây… (c) Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài..."

"Quảng cáo theo ngữ cảnh (context advertising) trở thành xu hướng tất yếu, thậm chí là con đường duy nhất hữu ích của thương hiệu cũng như cơ quan báo chí trong thời đại hiện nay, do thói quen người đọc không còn tìm nội dung theo domain nữa rồi. Nhà quảng cáo ngày nay đủ thông minh để chọn lựa đầu tư trực tiếp vào đối tượng phù hợp với định vị của mình, họ chọn độc giả", ông Vinh chia sẻ.

Theo ông, nếu không cho các ad network cài mã vào nội dung thì hầu như báo chí sẽ bị cắt đứt nguồn thu, mặc dù nguồn thu này, tính trên số lượng người xem đã vô cùng thấp (khoảng từ 2.000 đồng cho đến dưới 20.000 đồng/1.000 người xem).

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, thu nhập từ quảng cáo của báo chí hiện đã rất khó khăn, Nghị định này càng khiến doanh nghiệp bỏ rơi báo chí, tìm đến các giải pháp khác như Google search, Facebook advertising, hoặc các giải pháp OTT đang bùng nổ.

Chớp mắt đã hết 1,5 giây thì truyền tải được gì trong ngần đó thời gian?

Đồng quan điểm, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng hiện nay có 2 nền tảng video rất lớn là YouTube và Tiktok. "Vấn đề tối thượng của những người làm nội dung là truyền tải được thông điệp quan trọng nhất trong 3 giây đầu tiên. 3 giây đã là cuộc chiến với những người làm nội dung rồi", ông Long nói.

Theo vị chuyên gia này, 1,5 giây là quá ngắn để các doanh nghiệp sáng tạo những nội dung phù hợp với người dùng và truyền tải được thông điệp đến người dùng. "Chớp mắt thôi đã 1,5 giây rồi. Không thể nào truyền tải trong ngần ấy thời gian ấy được", ông Long nhấn mạnh.

Khi không đảm bảo hiệu quả truyền thông, đương nhiên các nhà quảng cáo, doanh nghiệp sẽ không chọn các nền tảng trong nước vì hiệu quả không cao, từ đó các đơn vị bị sụt giảm nguồn thu.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần có nghị định quản lý các vấn đề bất cập nhưng phải đảm bảo làm sao không vô tình siết trong nước để đem lại lợi thế cho các nền tảng xuyên biên giới. Trong khi đó, vốn bản thân các nền tảng xuyên biên giới đã có lợi thế hơn rất nhiều.

"Cái khó của nhà làm luật là tạo ra được sân chơi công bằng. Tôi không nói đúng hay sai nhưng sợ vô tình "trói chân trói tay" báo chí, doanh nghiệp trong nước. Quản được, siết được nhưng mình bây giờ Việt Nam đã tham gia một sân chơi toàn cầu, cái nhìn phải là cái nhìn toàn cầu", ông Long nói thêm.

 Thực tế nhu cầu quảng cáo trên không gian số đang ngày càng lớn và ước tính tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, gần 80% thị phần thị trường này tại Việt Nam hiện nằm trong tay các mạng quảng cáo nước ngoài.

Nếu Nghị định 38 đi vào thực tế, vấn đề đặt ra là "miếng bánh" còn lại dành báo chí, các cơ quan truyền thông trong nước sẽ tiếp tục nhỏ lại.

Tại Khoản 2, Điều 38, Mục 2 của Nghị định 38/2021 về hành vi vi phạm về quảng cáo trên báo chí, sản phẩm in, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, có quy định xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với trường hợp:

a, Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định;

b, Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây;

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo trên bìa một của tạp chí, trang nhất của báo.
Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo quá diện tích theo quy định trên một ấn phẩm báo, tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo;

b) Không có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác;

c) Không thể hiện tên tờ báo; tên, địa chỉ của cơ quan báo chí; dòng chữ "Phụ trương quảng cáo không tính vào giá bán'' trên trang một của phụ trương quảng cáo.

Điều 40. Vi phạm quy định về quảng cáo trên báo nói, báo hình

1. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo trên báo nói, báo hình mà không có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

2. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sản phẩm bằng hình thức chạy chữ hoặc chuỗi hình ảnh chuyển động mà sản phẩm quảng cáo không đặt sát phía dưới màn hình hoặc vượt quá 10% chiều cao màn hình và gây ảnh hưởng tới các nội dung chính trong chương trình.

3. Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;

b) Quảng cáo trong chương trình thời sự;

c) Quảng cáo trong chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc;

d) Quảng cáo quá hai lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình;

đ) Quảng cáo quá bốn lần trong mỗi chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;

e) Quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện, chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;

g) Quảng cáo trên truyền hình trả tiền quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;

h) Chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

4. Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm