Quy định mới: Để lộ thông tin người tiêu dùng sẽ bị phạt nặng
(Dân trí) - Từ ngày 21/2, hành vi chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng, nếu thông tin là dữ liệu nhạy cảm bị phạt gấp 2 lần.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2025 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 21/2.
Đáng chú ý, nghị định đã tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ 3 khi chưa có sự đồng ý thì bị phạt 30-40 triệu đồng. Trong trường hợp thông tin có liên quan là dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người tiêu dùng, mức phạt gấp 2 lần mức tiền phạt nêu trên.
Nghị định cũng nêu rõ phạt tiền gấp 4 lần trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn thực hiện. Đối với các giao dịch trên không gian mạng, nghị định cũng quy định việc phạt tiền 50-70 triệu đồng đối với chủ thể kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số nếu có hành vi vi phạm.
Chẳng hạn, sử dụng biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng trên nền tảng số, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng.

Nhiều khách hàng phản ánh tình trạng bị lộ thông tin cá nhân khi mua hàng (Ảnh: Chụp màn hình).
Ngoài ra, không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh, do không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết cũng bị phạt nặng.
Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng; ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng cũng bị phạt tiền 50-70 triệu đồng.
Đáng chú ý, nghị định sửa đổi cũng quy định phạt tiền 100-200 triệu đồng đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian không xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số trung gian của mình.
Thực tế, thời gian gần đây, tình trạng lộ thông tin cá nhân khi mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng. Mới đây, nhiều khách hàng nghi ngờ đơn hàng được giao bởi đơn vị vận chuyển Viettel Post bị rò rỉ thông tin. Các đối tượng đã giả danh nhân viên giao hàng (shipper) gọi điện, cung cấp chính xác thông tin cá nhân, đơn hàng và số tiền cần thanh toán, khiến nạn nhân tin tưởng chuyển khoản, dẫn đến bị lừa đảo và mất tiền oan.