Chủ shop "đau đầu" vì thông tin khách bị lộ, giả shipper lừa đảo tràn lan

Minh Huyền

(Dân trí) - Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh online đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng giả mạo shipper gọi điện đọc đúng tên sản phẩm, giá tiền, địa chỉ, số điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tiền khách hàng.

Chỉ trong một ngày, chị Thủy Hạnh, chủ shop (cửa hàng) kinh doanh quần áo online ở Hà Tĩnh, cho biết đã nhận 3 phản hồi về tình trạng đơn hàng giao qua hãng vận chuyển Viettel Post bị các đối tượng lấy cắp thông tin, giả mạo shipper (người giao hàng) để lừa đảo chiếm đoạt tiền.

"Khoảng 5-6 năm kinh doanh online, tôi luôn sử dụng Viettel Post làm đơn vị vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng. Tuy nhiên, lần đầu tiên tôi gặp trường hợp người mua bị lừa như vậy qua đơn vị vận chuyển này", chị kể.

Người bán khẳng định không tiết lộ thông tin khách hàng

Chị Hạnh kinh doanh quần áo order (đặt trước) chủ yếu trên nền tảng Facebook. Khi hàng về kho, chị sẽ báo cho khách về giá tiền và phí ship (vận chuyển) qua ứng dụng chat của Facebook rồi lên đơn qua ứng dụng Viettel Post.

"Đáng nói, tôi thường không báo tiền ship trước vì thông thường quần áo về kho, khi cân trọng lượng mới xác định giá ship cụ thể. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo báo cho 3 khách hàng đúng số tiền ship từng người. Thông tin này chỉ hiện thị trên ứng dụng giao hàng mà tôi nhập lên", chị khẳng định.

Do đó, chị Hạnh chia sẻ sau sự việc này, chị sẽ yêu cầu người mua chuyển hết tiền sản phẩm và tiền ship, chỉ nhận đơn 0 đồng để tránh tình trạng khách hàng bị lừa. 

Thực tế, không chỉ Viettel Post mà nhiều chủ cửa hàng cũng phản ánh tình trạng tương tự với đơn vị vận chuyển Vietnam Post - Bưu điện Việt Nam (VNPost) thời gian gần đây. Ngày 15/2, chị Như Quỳnh, kinh doanh quần áo trẻ em online, phải lên mạng nhờ giúp đỡ vì nhiều khách hàng của chị liên tục bị lừa.

Chủ shop đau đầu vì thông tin khách bị lộ, giả shipper lừa đảo tràn lan - 1

Các đối tượng lừa đảo giả danh shipper ngày càng tinh vi khi đọc đúng tên cửa hàng, sản phẩm người mua và số tiền thanh toán (Ảnh: Chụp màn hình).

Chị Quỳnh nói chị kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Shopee. Khi người mua đặt, sàn tự động chọn hãng vận chuyển nên chị không thể kiểm soát.

"Tôi đang nghi ngờ các đơn hàng do VNPost vận chuyển đều bị lộ thông tin vì khách đặt đơn bên này đều bị lừa. Đáng nói, nhiều người mua còn cho rằng cửa hàng làm lộ thông tin khiến họ bị lừa. Không giải quyết sớm thì tất cả khách của tôi đều bị lừa mất", chị than.

Chị Quỳnh Hương (Hải Phòng) cũng chia sẻ chị mua nôi cho con, cửa hàng gửi qua đơn vị vận chuyển VNPost, nhưng trong một ngày có tới 3 shipper gọi điện đọc đúng tên sản phẩm này và cả số tiền. Thậm chí, chị đang đứng kiểm tra hàng với shipper cũng bị gọi.

Không ít người tiêu dùng và chủ cửa hàng tỏ ra lo ngại lộ thông tin bởi hồi tháng 6/2024, VNPost thông báo hệ thống công nghệ thông tin của Bưu điện Việt Nam từng bị tấn công bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát. Ngoài ra, không ít người đặt ra nghi vấn về việc mua bán thông tin khách hàng từ những nguồn không chính thống. 

Chuyên gia phân tích nguyên nhân

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Dân trí, một chuyên gia Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thừa nhận thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng bị lộ thông tin đơn hàng và số điện thoại khi mua sắm trực tuyến.

"Phần lớn (khoảng 80%) nguyên nhân lộ thông tin cá nhân xuất phát từ chính sự bất cẩn, chủ quan của người dùng. Đây là những cơ hội thuận lợi để đối tượng xấu thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân nhằm mục đích trục lợi", vị chuyên gia nhìn nhận.

Theo vị này, người dùng có thể vô tình làm lộ thông tin cá nhân khi đăng ký tài khoản, dịch vụ, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội… Nhiều người dùng để lại thông tin cá nhân khi thực hiện các giao dịch mua sắm online, thậm chí dễ dàng công khai tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng để chiếm đoạt, lừa đảo.

"Ngoài ra, cũng có phần nhỏ (20%) nguyên nhân từ phía các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ, làm lộ thông tin cá nhân của người mua khi có lỗ hổng trên các hệ thống, ứng dụng hay lỗ hổng trong chính sách bảo mật thông tin khách hàng của đơn vị cung cấp dịch vụ", chuyên gia phân tích.

Chủ shop đau đầu vì thông tin khách bị lộ, giả shipper lừa đảo tràn lan - 2

Người tiêu dùng dễ bị đối tượng xấu đánh cắp thông tin cá nhân khi thực hiện các giao dịch mua sắm online (Ảnh: Minh Huyền).

Ngoài ra, việc lộ thông tin cũng có thể xảy ra do quá trình doanh nghiệp chuyển tiếp thông tin khách hàng cho bên thứ ba.

Trước thực trạng này, vị chuyên gia cảnh báo người dùng cần trang bị những kiến thức cơ bản và cần thiết để chủ động nhận diện và phòng tránh. Nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến.

"Không chia sẻ và tiết lộ những thông tin cá nhân đặc biệt về thông tin đơn hàng với các đối tượng không có liên quan. Kiểm tra các đánh giá từ những người mua trước và xem xét mức độ phản hồi của người bán. Nếu người bán có phản hồi chậm hoặc không rõ ràng, cần cẩn trọng", vị này lưu ý.

Đối với các giao dịch thương mại trực tuyến, người mua không nên chuyển tiền trước khi nhận hàng, trừ khi đã xác thực được người bán uy tín. Đối với các đơn hàng COD (shipper thu hộ tiền hàng), người mua chỉ thanh toán khi thực sự nhận được đúng hàng hóa. Người dùng nên lựa chọn giao dịch trên các sàn thương mại điện tử có uy tín và đã được cấp phép hoạt động...

Đặc biệt, khách hàng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng; không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết.

Đồng thời, người tiêu dùng phải cẩn trọng khi nhận thông tin từ các nguồn không rõ ràng; không mở các email/tin nhắn, đặc biệt với các thông báo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc mã OTP. Không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng.

Ngoài ra, vị chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng nên sử dụng các phương thức thanh toán an toàn như ví điện tử, thẻ tín dụng hoặc các hệ thống thanh toán có bảo vệ thay vì chuyển khoản qua ngân hàng hoặc thanh toán bằng tiền mặt.