Quảng Ngãi khuyến cáo nông dân cẩn trọng với mắc ca

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, việc phát triển trồng cây mắc ca trên qui mô lớn nhất thiết phải đảm bảo đã được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả và phải gắn với cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm.

Quảng Ngãi khuyến cáo nông dân cẩn trọng với mắc ca
Người nông dân được khuyến cáo không triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn tại các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân trồng cây mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự; không triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn tại các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả.


Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu tổ chức đánh giá kết quả trồng khảo nghiệm cây mắc ca; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức trồng khảo nghiệm cây mắc ca, xác định cụ thể quy hoạch chi tiết từng tiểu vùng khí hậu đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca. 

 

Theo Chủ tịch Quảng Ngãi, việc phát triển trồng cây mắc ca trên qui mô lớn nhất thiết phải đảm bảo các điều kiện trên và khi tổ chức phát triển trồng mới cây mắc ca phải gắn với cơ sở chế biến, cũng như đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, chỉ cho phép trồng các loại cây mắc ca được nhân giống vô tính (cây ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

 

Trước đó, để hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân gây trồng cây mắc ca, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có văn bản đề nghị các địa phương không triển khai trồng cây này trên quy mô lớn trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả. 

 

Trong báo cáo Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mắc ca là loại cây ăn quả thân gỗ, thuộc nhóm quả hạch, hạt có vỏ cứng, nhân dùng trực tiếp làm thực phẩm, hoặc chế biến bánh, kẹo, mỹ phẩm... Loại cây này ưa khí hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ, sinh trường và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20-25 độ C, lượng mưa hàng năm 1.500-2.500 mm, độ cao 300-1.200 m. Đất trồng mắc ca tốt nhất là dạng đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, tầng đất sâu, ẩm. Trồng cây mắc ca ở những nơi bị gió mạnh, sương muối, mưa phùn vào thời điểm thụ phấn sẽ giảm khả năng đậu quả. 

 

Hiện mắc ca trồng nhiều ở Úc, Mỹ, Nam Phi, Kenya và một số nước khác, với tổng diện tích khoảng 80.000 ha, sản lượng 140 nghìn tấn quả/năm. Tại Việt Nam, hiện mới một vài công ty, cơ sở chế biến hạt mắc ca, nhưng quy mô nhỏ, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. 

 

Diện tích mắc ca trồng thử và dự án khuyến lâm theo chương trình của bộ này ở Tây Bắc và Tây Nguyên là khoảng 520 ha. Ngoài ra, diện tích do các tổ chức, cá nhân tại các địa phương khác trồng khoảng 1.920 ha. Bộ cũng cho rằng, tổng diện tích trồng mắc ca cả trồng tập trung và trồng xen trên cả nước từ nay đến năm 2020 chỉ nên vào khoảng 10.000ha.

 

Phương Dung


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”