“Cây tỷ đô” mắc ca: Đầu ra bán cho Trung Quốc, Mỹ?
(Dân trí) - Trước những băn khoăn về thị trường tiêu thụ, ai sẽ mua, mua với giá như thế nào, một số chuyên gia cho rằng, đầu ra của mắc ca không có gì phải lo lắng cả. Hiện Trung Quốc, Mỹ đang có nhu cầu rất lớn đối với mắc ca...
Mắc ca được mệnh danh là "nữ hoàng hạt khô" với hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiệu quả kinh tế của mắc ca cũng được đánh giá là cao hơn hẳn so với với doanh thu khoảng gấp vài lần so với những cây công nghiệp lâu đời tại Việt Nam như chè, cà phê.
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến: "Cây mắc ca: Từ vì sao đến như thế nào?" do Bizlive tổ chức sáng nay (14/4), GS. Hoàng Hòe - nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết, ước tính Việt Nam đã có khoảng 1 triệu cây. Trong đó có khoảng 1 nửa là cây thường sinh, còn lại là cây ghép được tập hợp từ các nước như Úc, Trung Quốc, Thái Lan và Hawai. Diện tích trồng phải lên tới khoảng 5.000ha chứ không phải là 2.000ha như một số thông tin đưa ra.
"Dù chưa có con số thống kê chính thức của nhà nước, tuy nhiên theo một số hộ nông dân trồng thành công mắc ca thì hiệu quả rất cao. Ví dụ như bình quân được 25kg hạt/cây, giá bán hiện rất cao, giá quốc tế hiện khoảng 60 nghìn đồng/kg hạt. Như vậy, mỗi năm ít nhất một cây lúc 6 tuổi cho thu hoạch khoảng 1,5 triệu đồng. Đối với những hộ làm đúng quy trình kỹ thuật, nếu một ha trồng 300 cây, thì thu hoạch được khoảng 450 triệu đồng/năm", GS Hòe cho biết.
Mặc dù được đánh giá sẽ mang lại giá trị kinh tế cao nhưng mới đây, báo cáo lên Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn khá "rụt rè" khi cho cho rằng, chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch mắc ca do đây là loại cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm còn cho nhiều kết quả khác nhau và cũng cần xem xét thêm các vấn đề chế biến, thị trường. Theo Bộ chủ quản, không nên "nóng vội" phát triển tràn lan loại cây trồng này, tổng diện tích cây trồng mắc ca cả nước đến năm 2020 chỉ nên dừng ở con số 10.000 ha.
Trước động thái trên từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Tổng Thư ký Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cho đến thời điểm này cơ quan chức năng chưa có quyết định phê duyệt về quy hoạch phát triển cây mắc ca trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, chúng ta phải tranh thủ để chớp lấy thời cơ đầu tư phát triển cây mắc ca trên cơ sở của định hướng quy hoạch chung và của quy hoạch chi tiết từng vùng phù hợp với điều kiện sinh thái, phát triển cây mắc ca.
"Đương nhiên phải phát triển ở những vùng đã có kết quả khảo nghiệm tốt về cây mắc ca. Hơn nữa, cây mắc ca là cây ăn quả dài ngày cần phải có thời gian để sinh trưởng và phát triển, ra hoa kết trái và ra kết quả, chúng ta phải chủ động chiếm lĩnh thời cơ này. Ở đây không phải là con số cụ thể mà ở đây là phải tổ chức thực hiện như thế nào để cây mắc ca phát huy hiệu quả của nó", ông Ngọc nói.
Theo vị này, muốn phát huy được hiệu quả của cây mắc ca cần xác định vùng trồng phù hợp trên quy hoạch định hướng và quy hoạch chi tiết của địa phương làm tốt. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khâu giống cây trồng cũng như khâu chuyển giao giống cây trồng và quy trình, kỹ thuật sản xuất vào sản xuất. Doanh nghiệp cũng cần vào cuộc với người nông dân để xây dựng và thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm để sản phẩm mắc ca được chế biến, tiêu thụ có hiệu quả và người nông dân tăng được giá trị gia tăng.
Cụ thể hơn về vấn đề này, GS Hoàng Hòe cho biết: "Ở Việt Nam không phải chỗ nào cũng phát triển được cây mắc ca, chỉ có Tây Nguyên và Tây Bắc là phù hợp. Như ở Đaklak, khu vực Krong Nang rất phù hợp cho mắc ca, hiện nay đã có hàng nghìn người nông dân của huyện này đã trồng cây mắc ca. Tuy nhiên cũng có những xã thì không thuận lợi để trồng mắc ca như: xã Phú Lộc, Dliza, Phú Xuân.... Các xã ở trên cao và gió nhiều, đất không được tốt lắm, không có đất đỏ bazan thì cũng nên cân nhắc. Ngoài ra, nên trồng xen cây mắc ca trong 30.000 ha của huyện, mỗi một ha trồng xen vào từ 80 - 100 cây mắc ca. Có một số diện tích cà phê năng suất thấp dưới 1,5 - 1,8 tấn hạt cà phê/năm, những chỗ đó nên đưa cây mắc ca vào để thay thế".
Trước những băn khoăn về thị trường tiêu thụ, ai sẽ mua, mua với giá như thế nào, GS Hoàng Hòe khá lạc quan phát biểu: "Theo tôi, đầu ra của mắc ca không có gì phải lo lắng cả. Hiện Trung Quốc, Mỹ đang có nhu cầu rất lớn đối với mắc ca. Đặc biệt, sắp tới khi Việt Nam tham gia vào TPP chúng ta có thể xuất khẩu sang nhiều nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt là Trung Quốc, người dân Trung Quốc đang rất khao khát thực phẩm sạch và giá mắc ca ở Trung Quốc luôn luôn cao hơn so với các nước khác".
Vẫn giữ quan điểm cẩn trọng hơn, đại diện từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Quách Đại Ninh - Vụ phó Vụ Phát triển rừng thừa nhận: "Đây là một câu hỏi khó. Tuy nhiên nếu ngay từ đầu có sự chung tay của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, trung ương tới các cơ quan chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đầu tư chế biến, phát triển mắc ca và bà con nông dân, chúng ta sẽ giảm thiểu được những rủi ro về sản phẩm mắc ca sau này".
Phương Dung